In bài viết

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Trong đó, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.

25/04/2024 14:33
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu- Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, điều hành Diễn đàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 25/4, tại TPHCM, Báo Người Lao động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam phiên thứ 2 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu".

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; tham tán thương mại, thương vụ nước ngoài; lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; chuyên gia kinh tế...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu trong quý I/2024 có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Trong đó, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.

Ngoài ra, tình hình Trung Đông diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có sự trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội xem xét tuyến đường thay thế bằng đường tàu hoặc kết hợp nhiều phương tiện (đường bộ, đường tàu biển, đường sắt…).

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng cần lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải để nắm bắt sớm thông tin.

Ngoài ra, các nhà quan sát cho rằng căng thẳng Biển Đỏ chưa kết thúc sớm nên doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch ứng phó.

Với vai trò điều hành Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp khi triển khai hợp đồng phải hết sức lưu ý, tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp lý, chuyên gia thị trường và đặc biệt thận trọng vì xuất hiện hiện tượng lừa đảo trong thương mại quốc tế.

Cũng theo ông Lộc, trong quý I vừa qua, sự phục hồi của thị trường thế giới và những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và ngành ngân hàng đã giúp cho xuất khẩu tăng trên tất cả mặt hàng chủ lực, dù vậy, nhìn chung tình hình xuất khẩu vẫn khó khăn.

Hiện nay, các DN xuất khẩu còn nhiều cơ hội để khai thác các thị trường bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, tính cạnh tranh của DN Việt Nam cũng không kém các nền kinh tế có điều kiện tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Bangladesh… Các thị trường này đang gia tăng sức cạnh tranh với những mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Nếu chúng ta không có cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ phải chịu áp lực rất lớn.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu- Ảnh 2.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong quý I, xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển. Tuy nhiên, phải chờ thêm một quý nữa mới có thể đánh giá là xuất khẩu phục hồi nhiều hay ít.

Với tình hình hiện nay, việc tăng chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính.

Ông Hòe nhận định, nhìn chung, thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu.

Còn ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin, xuất khẩu dệt may năm 2024 tốt hơn so với 2023 dù chưa thật sự lấy lại "phong độ" của các năm trước. Các DN dệt may có đơn hàng nhiều hơn nhưng phải cạnh tranh do giá không tăng nhưng chi phí logistics tăng, DN phải chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa với đối tác mua hàng, dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam thuộc 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn, xếp sau Trung Quốc và Bangladesh.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu- Ảnh 3.

Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thông tin tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp

Tham dự Diễn đàn trực tuyến từ Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, về vấn đề vốn, thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn dồi dào. DN nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu thì chắc chắn sẽ được cho vay.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, ngay từ đầu năm, NHNN đã chủ động các biện pháp giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, mục tiêu năm nay là tín dụng sẽ tăng trưởng 15%.

Về lãi suất, ông Tú cho rằng hiện đã rất thấp trong vài chục năm nay, nhất là các khoản vay mới. Điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, vì có liên quan tới chính sách tỉ giá. Do đó, NHNN đưa ra quan điểm là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.

"NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các TCTD giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên", ông Tú nói.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, giải quyết cầu tiêu dùng, tồn kho ngay trong thị trường nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối ngân hàng và DN.

Anh Thơ