Vượt qua đau thương của chiến tranh, người dân Gò Nổi đang ngày ngày xây dựng quê hương giàu mạnh hơn. Ảnh: VGP/Mai Vy |
Chúng tôi trở về Gò Nổi trong không khí từng bừng chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Nam (24/3/1975 – 24/3/2015). 40 năm là khoảng thời gian không dài trong sự biến thiên của một vùng đất, nhưng cũng đủ để biến những khát vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân vùng đất Gò Nổi.
Hiện nay, Gò Nổi gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn. Dọc theo tỉnh lộ 610B, chúng tôi đến xã Điện Phong – vùng đất khó khăn nhất của Gò Nổi.
Ngoài những tàn phá do chiến tranh để lại, Điện Phong còn là một xã có vị trí địa lý vô cùng phức tạp bị sông ngòi chia cắt, đất ít, dân đông, đất đai sản xuất phân tán, nhỏ lẻ ở nhiều cánh đồng, gò bãi, cách trở sông đò.
Nhưng giờ đây, nhắc chuyện đổi mới của xã Điện Phong, ông Lê Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong đã có thể tự hào: Xã Điện Phong có 8 thôn, thôn Tây An có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất. 176 hộ dân Tây An nằm cách xa trung tâm xã, tách biệt với các thôn khác một con sông. Trước đây, cuộc sống bà con phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Nhưng đến nay, mạng lưới thủy lợi hóa đất màu đã phủ rộng trên 95% diện tích, nhờ đó sản xuất thuận lợi, bà con nhân dân trong thôn có cuộc sống no đủ hơn.
Nói về sự phát triển của Gò Nổi hôm nay, ông Lai cho biết thêm, nếu như 40 năm trước, mảnh đất này được biết đến là nơi hứng chịu hàng vạn tấn bom khiến nhà đổ, ruộng vườn tan hoang, thì ngày nay, nối tiếp truyền thống cách mạng, bà con luôn tự hào và càng đặt quyết tâm xây dựng quê hương mình ngày càng phát triển, đoàn kết đi lên bằng chính nội lực của mình.
Quỹ tín dụng nhân dân Gò Nổi hoạt động ngày càng phát triển mạnh đã giải quyết kịp thời vốn vay cho nông dân sản xuất, kinh doanh, đồng thời làm tốt công tác huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân trên địa bàn 3 xã Gò Nổi.
Trưởng thôn Đông Lãnh (xã Điện Trung) - ông Phan Thanh Cảnh cho biết: “Năm 1968, vùng đất Gò Nổi này từng bị rải B52 thí điểm trước khi rải bom ở miền Bắc, cho nên Gò Nổi là nơi bị tàn phá khốc liệt nhất. Vậy mà với tinh thần bám đất giữ làng, đồng bào ta đã gây dựng lại sự nghiệp trên chính quê hương mình”.
Xã Điện Trung chọn nông nghiệp là hướng đi chính, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 17,86 tỷ đồng (2014), chủ yếu trồng cây lúa, cây ngô, cây công nghiệp ngắn ngày,… nhưng với sự cần cù chịu khó, 11 thôn của xã Điện Trung nay đã đổi khác.
“Thôn Đông Lãnh của chúng tôi đã 5 năm liền đạt thôn văn hóa cấp huyện, những thành công trong hôm nay chính là nhờ vào sự đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân và bởi lòng tự hào là quê hương anh hùng. Phải phấn đấu làm sao cho xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng chính là mục tiêu của nhân dân thôn Đông Lãnh, cũng như người dân Gò Nổi” – ông Cảnh nói.
![]() |
Bà con Gò Nổi trong ngày mùa. Ảnh: VGP/Mai Vy |
Cùng với sự đi lên không ngừng đó, xã Điện Trung ngày càng chứng tỏ bề dày truyền thống của quê hương anh hùng bằng những cuộc “cách mạng” trong xóa đói giảm nghèo. Năm 2014 tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,63% (giảm 7,17% so với năm 2010), thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của tỉnh.
Tại Điện Quang, quê hương Chương Dương-Hoàng Diệu, vùng đất “Ngũ phụng tề phi”, chị Trần Thị Kim Thoa – Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội UBND xã Điện Quang cười thật tươi khi kể cho chúng tôi nghe về những lần dồn điền đổi thửa, vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng đề án đưa chăn nuôi ra đồng…
Chị cho biết, bà con trong xã luôn nhiệt tình, chấp hành mọi chủ trương chính sách. Ngay như nhà thờ tộc lớn gần UBND xã, mà vận động là người dân đã lập tức di dời ngay để có phần đất làm đường.
Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân xã Điện Quang, đến nay, kinh tế của xã nhà đã có những bước tăng trưởng khá ổn định.
Trong năm 2014, giá trị sản xuất toàn nền kinh tế đạt 255,11 tỷ đồng (tăng 15,61% so với cùng kỳ). Từ sự quyết tâm của người dân và nỗ lực của chính quyền, cuối năm 2014, 3 xã Gò Nổi đã cùng nhau đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Từ chỗ đường giao thông kiên cố hầu như không đáng kể, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục cây số đường giao thông nông thôn đã được xây dựng khép kín, chạy dọc ngang khắp các đường làng, ngõ xóm…
Thế cô lập đã được đột phá, bộ mặt nông thôn cũng đã đổi thay từng ngày. Các công trình thiết chế văn hóa mọc lên khắp nơi, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng đều khắp tại các thôn, làng.
Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã tạo thu nhập bình quân đạt từ 23-25 triệu đồng/người/năm. Hiện nay 3 xã không còn nhà cửa tạm bợ, dột nát, tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đi về các làng xa xôi nhất cũng dễ dàng nhận thấy sự đổi thay. Nhà cửa ngăn nắp, tường rào kiên cố hiện đại, đường sá ngay hàng thẳng lối, điện thắp sáng và chiếu sáng đã vươn đến từng nhà, công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo.
40 năm đi qua, từng trải bao biến động và thách thức, mảnh đất Gò Nổi vẫn tiếp tục là lá cờ đầu trong cuộc chiến chống đói nghèo, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Mai Vy