Mới đây, tại Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá Việt Nam đã trở thành nước an toàn nhất với chiến dịch tiêm vaccine thần tốc thành công. Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên cũng thẳng thắn cho rằng "chúng ta vẫn còn rụt rè, dò dẫm trong việc mở cửa".
"So với nhiều nước chúng ta không chậm và hành động rất tốt, nhưng cần phải có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới về một đất nước an toàn trong việc đón du khách đến với Việt Nam", PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Theo ông Trần Đình Thiên, điều đó cần được thể hiện ở việc phải đứng dậy thật nhanh, tận dụng ngay thời cơ bứt phá để định vị lại vị thế của Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế. Đây cũng là cơ hội để tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực; là thời điểm sống còn để thay đổi cấu trúc du lịch cục diện vị thế của Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng hiện nay, các địa phương, các công ty du lịch đã sẵn sàng. Nhưng để trở lại trọn vẹn như thời điểm trước dịch COVID-19 còn rất nhiều việc phải làm.
Theo bà Hương, tính tổng thể trong việc mở cửa lại hoạt động du lịch chưa mạnh mẽ, vì vậy cần một thông điệp truyền thông mang tính tổng thể. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có kế hoạch hành động mang tính tổng thể để kết nối tất cả các đơn vị du lịch, để truyền thông với thế giới việc Việt Nam đã sẵn sàng đón khách quốc tế.
"Thông điệp cần phải được nhìn thấy, nghe thấy để mọi người thấy rõ hơn về sức hút của du lịch Việt Nam với thế giới", bà Hương nói.
Bên cạnh đó, cần có một chính sách rõ ràng hơn về việc khách du lịch đến Việt Nam mắc COVID-19 sẽ xử lý như thế nào? Hiện tại đường bay quốc tế đã mở nhưng tần suất bay chưa đủ, dẫn đến sự mất cân đối giữa khách đi du lịch trong nước và nước ngoài.
Mặc khác, hiện nay nguồn nhân lực du lịch chưa sẵn sàng. Điều đó đòi hỏi, các địa phương cần hỗ trợ sớm trong đào tạo, kết nối nguồn nhân lực để tạo ra sức mạnh, chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút du khách đến Việt Nam.
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà các doanh nghiệp du lịch đang gặp phải, ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội cho biết, cần nghiên cứu để việc cấp thị thực được đơn giản, thuận tiện nhất cho khách hàng. Trong đó áp dụng cấp thị thực online để khách đến sân bay không phải chờ đợi lâu.
Cũng theo ông Phạm Văn Bảy, nên tăng thời hạn thị thực lên 30 ngày vì cần tính đến trường hợp khách sang Việt Nam bị dương tính với COVID-19, nếu hạn thị thực là 15 ngày thì với những khách đi xuyên Việt khi về lại phải gia hạn thị thực hoặc xin thị thực khác. Hoặc có những khách ở vùng lạnh sang Việt Nam hằng tháng để tránh đông khi đến Phan Thiết, Mũi Né, Nha Trang… Họ lưu trú theo dạng đặt phòng khoảng 1 tháng thì việc tăng thời hạn thị thực lên 30 ngày sẽ hợp lý.
Một vấn đề nữa được ông Bảy đề cập là hiện nay khách quốc tế đến Việt Nam test âm tính với COVID-19 thì được nhập cảnh. Tuy nhiên khách Việt Nam đi nước ngoài vẫn còn một số bất cập.
Ông Bảy nêu ví dụ, nếu khách đi tour bị dương tính với COVID-19 khi trở lại Việt Nam thì chưa quay lại được vì phải chờ có kết quả âm tính với COVID-19 mới được trở về Việt Nam.
Điều đó dẫn đến phát sinh nhiều chi phí để xử lý tình huống này, kể cả có bảo hiểm cũng là bất lợi cho khách. Vì khách phải chi trả, các công ty du lich cũng phải chịu trách nhiệm.
"Mặc khác, mở cửa nhưng lượng khách song phương không đồng đều, có thể có khách quốc tế đến Việt Nam nhưng khách Việt Nam chưa đi quốc tế ngay được. Do đó, với lộ trình mở cửa khách Việt Nam đi quốc tế trở về có dấu hiệu dương tính với COVID-19 thì có thể xem xét du khách được thực hiện 5K, cách ly và điều trị tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho du khách", ông Bảy đề xuất.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết hiện nay Vietravel mở tour quốc tế nhưng vừa mở vừa dè dặt và cũng khuyến cáo trẻ em, người già chưa tiêm, người có bệnh nền chưa nên đi trong thời điểm này. Hoặc trong thời gian đi nếu dương tính thì cùng chịu trách nhiệm với công ty du lịch. Với những điều kiện như vậy, khách còn chần chừ và ngại ngần.
"Đó là những gặp vướng mắc khi tổ chức tour cho khách ra nước ngoài mà các công ty lữ hành hiện nay đang gặp phải", ông Bảy nói.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết nếu thuận lợi thì vào tháng 4,5,6 sẽ đón khách châu Á, tháng 8,9,10 đón khách châu Âu. Tuy nhiên, chưa hẳn mở cửa du lịch là du khách đã vào ngay mà chúng ta phải có chương trình quảng bá tốt và những chính sách ưu đãi của du lịch Việt Nam để khách nắm được.
Để phù hợp với tình hình mở cửa hiện nay, các sản phẩm du lịch mới có thể tập trung vào các tour trải nghiệm đồng quê, nông nghiệp, sản phẩm ở khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, hang động tại Quảng Bình. Tuy nhiên, cũng phải theo đặc thù riêng của từng thị trường, khách châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Phillippines hay đi các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Khách châu Âu lại quan tâm đến các sản phẩm đặc thù như xuyên Việt, các di sản được UNESCO công nhận, di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Khách Pháp, Mỹ quan tâm đến chiến trường xưa như ở Đông Bắc, Tây Bắc, các tỉnh phía nam.
Xu hướng mới của khách Việt Nam đi quốc tế cũng thường tìm đến những thị trường an toàn. Vì vậy, các công ty du lịch đang xây dựng những sản phẩm combo phục vụ khách bao gồm mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, bảo hiểm, thị thực. Tuy nhiên cũng phải cân nhắc đối tượng khách hay bỏ trốn khi sang một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.
Trước đây, trưởng đoàn quản lý và giữ hộ chiếu cả đoàn. Còn nay khách tự đi theo xu hướng mới (4-6-8) thì các công ty du lịch sẽ gặp khó khăn hơn trong công tác quản lý. Vì vậy phải rà soát, chọn lọc khách như thế nào bởi không phải mọi du khách đều đi du lịch mà có trường hợp lợi dụng du lịch để bỏ trốn.
Ông Nguyễn Văn Tài, đại diện Công ty cổ phần Sự kiện và Du lịch Kết Nối Mới (NECOTOUR) cũng chia sẻ chính sách mở cửa này lần này không sớm, cũng không muộn mà "đúng thời điểm", phù hợp với tình hình thực tế tuy dịch bệnh vẫn phức tạp nhưng với xu hướng mở cửa chung cũng như tại Việt Nam, độ bao phủ vaccine đứng trong top đầu của thế giới nên an toàn cho du khách đến trải nghiệm du lịch tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Việt Nam đã miễn thị thực cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các hoạt động xuất nhập cảnh đều được mở hoàn toàn như trước dịch, điều đó là hoàn toàn phù hợp với tình hình đón khách. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn về điều trị, cách ly y tế đối với du khách, đã có tiêu chí và hợp lý.
Vấn đề là cần vận hành tốt, áp dụng nhuần nhuyễn bộ tiêu chí về y tế trong thời gian du khách đi trải nghiệm tour không may mắc COVID-19 tại Việt Nam. Bởi nếu mình xử lý tốt, chuyên nghiệp thì được du khách quốc tế tin tưởng, đánh giá cao và lựa chọn là điểm đến an toàn.
"Một vấn đề nữa là trong trường hợp đi tour, nếu khách dương tính với COVID-19 hay bệnh chuyển bệnh nặng, phải điều trị lâu thì bên cạnh các vấn đề như bảo hiểm du lịch, chi phí điều trị, cần có chính sách gia hạn visa cho họ. Nếu bệnh chuyển nặng thì chi phí điều trị đó sẽ do cá nhân du khách chi trả hay là họ sẽ được hỗ trợ phần nào? Bảo hiểm du lịch, đơn vị lữ hành phải làm việc rõ, cụ thể về vấn đề này. Đây cũng là những thắc mắc của du khách khi chuẩn bị du lịch Việt Nam", ông Tài nêu.
Bà Nguyễn Minh Hằng-Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam có một số thuận lợi. Đó là xu thế dịch bệnh đã thay đổi, có thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, sự cấp tính của bệnh có thể sớm được dỡ bỏ vào quý III, IV/2022. Chính sách mở cửa du lịch đã được hơn 50 quốc gia áp dụng. Cùng với đó là nhu cầu du lịch của người dân trên thế giới có xu hướng tăng. Đồng thời, đà phục hồi kinh tế trong nước được thúc đẩy mạnh trong năm nay cũng như các phương án triển khai cho việc mở cửa du lịch khá thông thoáng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo bà Nguyễn Minh Hằng, Việt Nam cũng sẽ gặp một số thách thức khi mở cửa du lịch. Đó là vẫn phải theo dõi diễn biến dịch bệnh. Mặc khác, các chính sách đi du lịch ở một số nước còn khá hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch quốc tế của người dân.
Với những thách thức trên, bà Nguyễn Minh Hằng khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thực hiện mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả. Tăng cường cung cấp thông tin về xu hướng du lịch, đánh giá tình hình, nhu cầu du lịch ở các nước giúp Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin mở cửa du lịch ở nước ta với người dân các quốc gia trên thế giới, tích cực triển khai quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn chồng chất của ngành du lịch, của doanh nghiệp, người lao động và người dân có công ăn việc làm gắn với hoạt động du lịch.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên và người lao động trong ngành du lịch, đồng thời xác định, biện pháp căn cơ nhất là đưa ra các giải pháp quyết liệt để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục các hoạt động du lịch, mở cửa lại du lịch.
Như vậy, ngành du lịch không đơn độc khi có sự đồng hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phục hồi và phát triển một môi trường du lịch xanh, bền vững. Qua đó, tiếp tục định vị vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.
Diệp Anh-Lưu Hương