Triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện Đề án TTKDTM trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2025, theo Quyết định số 1953/QĐ-KBNN ngày 29/4/2022, đã được các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống triển khai tích cực và đưa lại nhiều kết quả tốt.
Đại diện KBNN Bắc Giang cho biết, bám sát chủ trương về chuyển đổi số, tăng cường TTKDTM và đề án của KBNN về phát triển TTKDTM trong toàn hệ thống, KBNN Bắc Giang đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn để thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước (NSNN) trong TTKDTM, cũng như giao dịch bằng tiền mặt tại các NHTM đối với thu chi NSNN và các giao dịch thanh toán khác…
Nhờ quyết liệt chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền, khối lượng tiền mặt tại trụ sở KBNN Bắc Giang đã giảm nhiều so với năm 2021 (hơn 10 tháng năm 2022 giảm được 82% lượng tiền mặt, tương đương giảm 681 tỷ đồng). Số thu NSNN bằng tiền mặt tại các đơn vị KBNN trực thuộc KBNN Bắc Giang là 28 tỷ đồng, giảm 103 tỷ đồng so với năm 2021. Đáng chú ý, cho đến thời điểm này, tại KBNN Bắc Giang và một số KBNN huyện trực thuộc đã không còn giao dịch tiền mặt.
Tại KBNN Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tích cực vào cuộc của các đơn vị KBNN, đến nay tỷ lệ số thu không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đạt trên 99% trong tổng số thu NSNN qua KBNN; số chi NSNN không dùng tiền mặt chiếm gần 99% tổng chi qua KBNN. Đặc biệt, việc tăng cường ủy nhiệm thu NSNN và ủy nhiệm chi tiền mặt qua các hệ thống NHTM đã giúp giảm thiểu khối lượng công việc thu, chi tiền mặt tại các đơn vị KBNN, giảm chi phí vận chuyển, kiểm đếm, cất giữ tiền mặt. Hiện tại, hệ thống KBNN hầu như không còn tiền mặt trong kho, vì thế, một bộ phận công chức làm công tác kho quỹ trước đây đã tiếp cận và dần chuyển sang công tác kế toán, tạo điều kiện cho KBNN tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng theo các đơn vị KBNN, trong quá trình triển khai TTKDTM đã có những vướng mắc phát sinh. Ví dụ như việc ủy nhiệm thu cho các NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu, tại Thông tư số 328/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN và Thông tư số 72/2021/TT-BTC chỉnh sửa một số điều của Thông tư 328 chưa có quy định cụ thể việc hậu kiểm tra các khoản thu NSNN lập giấy nộp tiền trên chương trình phối hợp thu của các NHTM, cũng như giấy nộp tiền hủy của NHTM nhằm hạn chế các rủi ro trong công tác thu NSNN.
Đồng thời, việc mở và sử dụng thẻ chi tiêu công đạt hiệu quả chưa cao, do đa số tâm lý các đơn vị sử dụng ngân sách còn e ngại trong việc sử dụng thẻ này. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng tiền mặt trong việc mua sắm các khoản nhỏ, lẻ. Sự hạn chế của mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ và tính an toàn của thẻ tín dụng chưa cao.
Do đó, các đơn vị KBNN đang tiếp tục kiến nghị KBNN hoàn thiện nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng hệ thống thanh toán của KBNN đảm bảo kết nối, tích hợp liên thông với hạ tầng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của các NHTM, hệ thống bù trừ điện tử của Ngân hàng Nhà nước, kết nối hạ tầng cơ quan thuế, hải quan để đẩy mạnh yêu cầu phối hợp trong thu, chi NSNN bằng phương thức TTKDTM, tiến tới tăng cường thu, chi bằng hình thức điện tử.
Về phía NHTM, cần sắp xếp hợp lý và hiệu quả mạng lưới máy ATM, thiết bị chấp nhận thẻ POS đảm bảo hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Đồng thời, các NHTM nên có chính sách giảm các khoản phí dịch vụ qua thẻ ATM, phí thanh toán chuyển khoản, phí mở thẻ cho các tổ chức, cá nhân bắt buộc thực hiện TTKDTM, giảm phí thanh toán qua POS với nhà cung cấp bán lẻ hàng hóa trong nền kinh tế nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng hình thức TTKDTM.
Để việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng mang lại hiệu quả cao, theo KBNN, các đơn vị giao dịch thanh toán với KBNN cần chủ động lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa có tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc chấp nhận thanh toán qua POS (máy chấp nhận thẻ) để mua sắm hàng hóa.
KL