Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro cho biết một đặc điểm quan trọng của phương pháp quản lý tuân thủ dựa trên quản lý rủi ro là tích cực "định hướng" cộng đồng kinh doanh đến với việc tuân thủ tự nguyện (rủi ro thấp), để dành nguồn lực cho việc kiểm soát các đối tượng rủi ro cao.
Để quản lý tuân thủ đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK), cơ quan hải quan phải tổ chức quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp cũng như quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, để phân loại.Có 3 loại nhóm doanh nghiệp để phục vụ áp dụng chính sách quản lý hải quan: Doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp tuân thủ, doanh nghiệp không tuân thủ.
Cơ quan hải quan sẽ áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp tuân thủ: Như giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sở và thực tế hàng hóa (giảm chi phí kiểm tra, lưu kho ở bến…). Doanh nghiệp giao nhận hàng nhiều lần trước, khai hải quan sau, chỉ phải kiểm tra chứng từ giao hàng.
Ngược lại, với doanh nghiệp không tuân thủ (uy tín, minh bạch kém hơn), ngành hải quan áp dụng các chế độ quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt nhằm chủ động phòng ngừa ngăn chặn, tiến tới giảm hẳn các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tại mới có 56 doanh nghiệp được phân luồng xanh (ưu tiên), tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện đạt tỷ lệ chưa cao. Một trong những nguyên nhân là các vướng mắc quy định quản lý tuân thủ chuyên ngành chưa được tháo gỡ khi các bộ quản lý chuyên ngành chưa áp dụng đầy đủ quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ, phải kiểm tra thực tế quá nhiều.
“Ví dụ, một doanh nghiệp vướng chỉ 1 giấy phép kiểm tra chuyên ngành thì vẫn phải kiểm tra nhiều (dù không phát hiện sai phạm gì) dẫn đến lãng phí nguồn lực”, ông Thái nói.
Đại diện Cục Quản lý rủi ro cho biết, lãnh đạo ngành hải quan hiện tại đang tích cực làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ vấn đề kiểm tra chuyên ngành. Để thực hiện tốt quản lý tuân thủ, cơ quan hải quan cũng thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá rủi ro về tình hình hoạt động và chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; tổng hợp, kiến nghị điều chỉnh các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục, chế độ ưu tiên cũng như cơ chế đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro đối với doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ lợi ích của việc tuân thủ, chủ động liên hệ và thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin hồ sơ cho cơ quan hải quan, phục vụ đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý và cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế; tích cực tham gia các chương trình tập tuấn, tự nguyện hợp tác đầy đủ với cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan.
Huy Thắng