In bài viết

Gỡ vướng mắc để chủ hộ kinh doanh cá thể có lương hưu

(Chinhphu.vn) – Các chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH đều có mong muốn được giải quyết chế độ chính sách BHXH nên cơ chế chính sách cần có sự thay đổi linh hoạt, kịp thời, phù hợp với thực tiễn phát sinh; cần giải quyết đúng nguyên tắc của BHXH là đóng-hưởng, nghĩa là chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc phải được hưởng đầy đủ quyền lợi.

05/06/2023 13:45
Gỡ vướng mắc để chủ hộ kinh doanh cá thể có lương hưu - Ảnh 1.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho cả chủ hộ kinh doanh cá thể là quy định rất phù hợp với thực tiễn

Từ năm 2003 đến năm 2021, tại nhiều địa phương có tình trạng thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh nhưng đến nay họ chưa được tính thời gian để hưởng chế độ BHXH.

Theo quy định hiện hành, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, từ tháng 1/2003 tới tháng 12/2021, cơ quan BHXH nhiều địa phương đã thu BHXH bắt buộc đối với những trường hợp này.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc.

Do việc thực hiện BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng chế độ BHXH, đặc biệt có nhiều trường hợp đã đóng BHXH được gần 20 năm. Đây là vấn đề gây bức xúc và cần được tháo gỡ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Vì vậy, BHXH Việt Nam đang đề xuất hướng tháo gỡ nhằm thu hút các thành phần tham gia BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia được hưởng chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cho cả chủ hộ kinh doanh cá thể là quy định rất phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp thực tiễn nhu cầu hiện nay trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Nếu dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua lần này, không chỉ hơn 4.000 đối tượng sẽ được tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội của Nhà nước mà còn phù hợp với Nghị Quyết 28 của Đảng trong việc khuyến khích, mở rộng các thành phần tham gia chính sách BHXH. 

Việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia đóng BHXH về bản chất là tích cực, góp phần tăng thêm diện bao phủ BHXH. Hiện, các quy định có liên quan chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn nên cần phải sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Sơn - Công ty Luật TNHH châu Á- Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích cụ thể trước đây, chế độ hưu trí chỉ áp dụng với công chức, lao động Nhà nước, người làm công hưởng lương hưu. Sau năm 1994, kinh tế dần mở cửa, các quan hệ lao động cũng phát sinh. Các hộ kinh doanh tạo ra việc làm song vẫn chưa ngang hàng với lao động khu vực Nhà nước vì chưa được tham gia BHXH để hưởng lương hưu.

Tới năm 2003, Nghị định 01 ra đời đưa nhiều nhóm vào diện đóng BHXH bắt buộc, trong đó có hộ kinh doanh cá thể (KDCT) nhưng chủ hộ KDCT không thuộc diện đóng bắt buộc vì không có hợp đồng, không được trả lương. Mỗi hộ KDCT trung bình chỉ có vài lao động. Số đông chủ hộ là người sử dụng lao động nhưng đồng thời cũng là người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh; thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, họ có khoản thu nhập, tiền lương (có trường hợp là thành viên hộ gia đình được ủy quyền làm chủ hộ).

Xuất phát từ thực tiễn đó và nhu cầu được tham gia BHXH bắt buộc (khi chưa có chính sách BHXH tự nguyện), các chủ hộ KDCT đăng ký tham gia BHXH cho mình và các lao động khác trong hộ sản xuất với mong muốn được hưởng chế độ hưu trí khi về già.

"Tôi cho rằng, việc các chủ hộ KDCT chủ động lập danh sách đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho mình và cho cả người lao động trong hộ là chính đáng, dễ hiểu, nhất là khi thời điểm đó, chính sách BHXH chưa thể thay đổi kịp để đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Vì vậy, việc cần thiết bây giờ là chúng ta phải có giải pháp để đảm bảo đầy đủ quyền lợi, đáp ứng đúng nguyện vọng, mong mỏi chính đáng cho những chủ hộ KDCT này", ông Nguyễn Hoài Sơn nhận định.

Ông Nguyễn Hoài Sơn cho rằng cơ chế chính sách cần có sự thay đổi linh hoạt, kịp thời, phù hợp với thực tiễn phát sinh. Các chủ hộ KDCT tham gia BHXH đều có mong muốn được giải quyết chế độ chính sách BHXH nên việc thoái thu là bất khả kháng; cần giải quyết đúng nguyên tắc của BHXH là đóng-hưởng, nghĩa là chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc phải được hưởng đầy đủ quyền lợi các chế độ BHXH bắt buộc.

Từ thực tiễn và nguyện vọng này của chủ hộ KDCT, BHXH Việt Nam và Bộ LĐTB&XH cần trình Chính phủ, Quốc hội có giải pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi BHXH trên nguyên tắc đóng – hưởng (đã được quy định tại Luật BHXH năm 2006 và Luật BHXH năm 2014) cho các chủ hộ KDCT từ năm 2003-2021. "Hướng giải quyết này, tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu và nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28 và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về việc mở rộng, phát triển diện bao phủ BHXH về đối tượng tham gia và hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu; mở rộng chủ hộ KDCT và một số nhóm đối tượng khác thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc", ông Nguyễn Hoài Sơn cho biết.

Để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người dân, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức kiểm tra, thanh tra tại một số địa phương. Bộ cũng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương khảo sát các địa phương sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 và lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó có nội dung cơ quan BHXH thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh.

Thu Cúc