Tham dự Hội nghị đối thoại có 250 đại biểu là DN đến từ 4 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và lãnh đạo các tỉnh.
Theo ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của các DN ở 4 tỉnh này khoảng 46 tỷ USD, chiếm khoảng 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam là một trong 20 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 732,5 tỷ USD.
Ông Hoàng Quang Phòng cho hay: "Khoảng 38% DN còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Khoảng 24% DN phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh".
Bên cạnh đó, hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước; vẫn còn nhiều mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên. Logistics cũng còn thiếu và yếu. Thủ tục hành chính còn nhiều.
"DN khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc là DN phải in giấy chứng nhận kiểm dịch đưa cho cơ quan hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức hải quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan", ông Lê Mạnh Cường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng nêu thực tế.
Một điểm nghẽn lâu khắc phục là vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.
"Việc kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc, cập nhật thông tin chưa đồng bộ (đã khai quan, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp). Nộp thuế qua online nhưng vẫn phải chụp bản nộp cho cơ quan hải quan", bà Lương Thu Hương – Chủ tịch Hiệp hội DN Hải Dương cho biết.
Theo khảo sát của VCCI, vẫn có tới 59% DN gặp ít nhất một khó khăn trong việc tuân thủ thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trình tự kiểm tra chuyên ngành phức tạp, danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tuy kiểm tra chuyên ngành thực hiện ở cửa khẩu nhưng vẫn có những trường hợp DN phải về tận bộ, ngành mới được giải quyết.
Có cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng: "Triết lý quản lý của các bộ, ngành khác nhau thì các DN còn gặp khó khăn, cần có quyết tâm vì lợi ích DN, hy vọng thời gian tới cải cách mạnh mẽ hơn".
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp chính sách tạo thuận lợi thương mại trong điều kiện hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Văn Thể kiến nghị, để công tác thương mại xuyên biên giới mang lại hiệu quả cao, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tiếp tục giảm thiểu các thủ không cần thiết, rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu thương mại, đầu tư.
Đồng thời cần khuyến khích, phát triển các DN đầu tư cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu xuyên biên giới...
"Hiện nay, hải quan chỉ cho phép bên thứ 3 là đại lý hải quan thực hiện khai báo bằng chữ ký số của đại lý hải quan còn lại các bên khác thì không. Bộ Công Thương nên xem xét chấp thuận cho bên thứ 3 thực hiện việc cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa)", đại diện Hiệp hội Logistics Hải Phòng bổ sung ý kiến.
Còn theo ông Đặng Thế Phương – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, để đạt được hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại xuyên quốc gia, các bộ, ngành cần thống nhất hướng dẫn quy định để DN xuất nhập khẩu thực sự chỉ qua một cửa đồng thời rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết FTA, loại bỏ những giấy phép, những điều kiện không thực sự cần thiết…
Ông Đặng Thế Phương khẳng định, các DN sẵn sàng ủng hộ việc bảo đảm an ninh hải quan, soi chiếu hàng hóa luồng đỏ theo tỉ lệ nhất định. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ DN quá tốn kém các chi phí cho việc này.
"Một lô hàng phải kiểm tra thực tế thủ công hay soi chiếu có thể tốn vài chục đến hàng trăm triệu. Chi phí đưa phương tiện trong cảng, tăng chi phí lưu kho bãi, đưa các container lên phương tiện soi chiếu. May mắn thì được thông quan ngay, nếu không thì lại quay về cảng, hạ xuống. Một DN có hàng trăm lô hàng mỗi tháng, mỗi lô vài chục container, riêng việc soi chiếu đã mất rất nhiều thời gian và chi phí. Nên chăng, hải quan có sự hỗ trợ DN kiểm tra trong lúc lưu bãi, đỡ gánh nặng chi phí cho DN", ông Đặng Thế Phương kiến nghị.
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương là tỉnh đứng thứ 7 trong 10 tỉnh, thành phố có xuất siêu lớn nhất trong toàn quốc). Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại...
"Về phía Hải Dương, chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN nghiên cứu đầu tư và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu; tháo gỡ nhanh nhất khó khăn cho DN", lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, Tổng cục Hải quan đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt "Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030". Đây được coi là kim chỉ nam và tấm bản đồ "phát triển" của hải quan Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đó, Hải quan Việt Nam sẽ được xây dựng chính quy, hiện đại ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình hải quan số, hải quan thông minh.
Để đạt được mục tiêu đó, Tổng cục Hải quan xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu phục vụ.
Kết quả cải cách hiện đại hóa hải quan đến năm 2022: Có 100% thủ tục hành chính cơ bản được tự động hóa; có 100% cục, chi cục Hải quan thực hiện thủ tục thông quan tự động VNACC/VCIS; 99,8% thu thuế bằng phương thức điện tử...
Tổng cục Hải quan đã triển khai đo thời gian giải phóng hàng cấp cục năm 2022 và đang triển khai đo thời gian giải phóng hàng năm 2022 cấp tổng cục. Theo đó, căn cứ kết quả tính toán sơ bộ các khoản thời gian chính, tổng thời gian từ khi hàng hoá đến cảng/cửa khẩu đến khi ra khỏi cảng/cửa khẩu năm 2022 là 127 giờ 13 phút 20 giây, giảm gần 7 giờ so với năm 2021. Thời gian thông quan trung bình của cả hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu cũng giảm.
Tổng cục Hải quan đã ban hành và triển khai chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; triển khai ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình với một số DN. Kết quả bước đầu 199 DN tham gia Chương trình.
Tổng cục Hải quan đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan, hợp tác với Hiệp hội DN Logistics Việt Nam để xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực đại lý làm thủ tục hải quan trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm triển khai và quản lý hoạt động đại lý hải quan của một số cơ quan hải quan trong khu vực và thế giới (Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ,…), nghiên cứu mô hình đại lý hải quan của WCO.
Với quan điểm lấy người dân, DN làm trung tâm, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hỗ trợ, khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, kiên quyết đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2022, với tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 730,28 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2021), tổng số tờ khai xuất nhập khẩu trên 14,5 triệu tờ, tổng số thu ngân sách đạt 437.351 tỷ đồng (vượt 24,25% so với dự toán và tăng 24,58% so với cùng kỳ).
Với các vướng mắc DN nêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chỉ đạo các Chi cục Hải quan địa phương, làm việc trực tiếp với các hiệp hội, DN để thống nhất giải pháp tháo gớ. Với nhóm vấn đề kiểm tra chuyên ngành, lãnh đạo ngành hải quan thừa nhận, đây là vấn đề nói nhiều nhưng thời gian qua chuyển biến chưa được bao nhiêu.
"Sắp tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành hải quan cùng với VCCI sẽ đánh giá sự hài lòng của DN về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Ngành hải quan cũng sẽ làm việc cụ thể với các bộ ngành, kiểm tra chuyên ngành chỉ ra bất cập cụ thể, ưu tiên các đơn vị bộ, ngành vướng mắc nhiều nhất (ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)", lãnh đạo Tổng cục Hải quan nói.
Ngày 28/7/2022, 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng – Quảng Ninh - Hải Dương – Hưng Yên và VCCI đã ký kết thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông; trong giai đoạn đầu việc kết nối tập trung vào 8 lĩnh vực: (1) Liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư; (2) Liên kết trong giao thông và logistics; (3) Liên kết trong chuỗi cung ứng sản xuất; (4) Liên kết trong phát triển du lịch, dịch vụ; (5) Liên kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (6) Liên kết đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; (7) Liên kết trong bảo vệ môi trường; (8) Liên kết trong nông nghiệp và chế biến nông sản và ứng dụng công nghệ cao.
Huy Thắng