Tại Hội nghị Phổ biến, triển khai Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2026/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã trả lời cụ thể các vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động về kiểm dịch động vận, sản phẩm động vật khi thực hiện các thủ tục trên hệ thống một cửa quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y lưu ý, các doanh nghiệp cần hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu rõ Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Ông Long nhấn mạnh: "Theo Luật Thú y, phải có tình hình dịch bệnh, thông tin về hệ thống giám sát dịch bệnh và thông tin về giám sát vệ sinh thú y để làm căn cứ xem xét, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc nhập khẩu hàng gia công chế biến xuất khẩu. Từ tháng 10 năm 2022 đến nay, Cục Thú y đã ký ban hành trên 10 văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật".
Liên quan đến tìm kiếm nhà cung cấp và các đối tác để ký kết hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó giám đốc công ty Phương Quang Minh, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Trong quá trình hoạt động hơn 1 năm qua, doanh nghiệp không vi phạm trong công tác kiểm dịch. Để làm được điều này, trong quá trình ký kết hợp đồng yêu cầu các đối tác là nhà cung cấp chỉ nhập hàng từ 26 quốc gia đã được Cục Thú y cấp phép. Bên cạnh đó tuân thủ việc đăng ký giao dịch 1 cửa theo luật định".
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm, theo quy định nếu doanh nghiệp sai phạm nhiều lần sẽ bị từ chối kiểm dịch. Ông Long cho biết: "Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn Luật quy định phải làm hồ sơ nhập khẩu trước và khi nào nhận được văn bản hướng dẫn nhập khẩu thì mới được phép đưa hàng về. Để tiết kiệm thời gian và giải quyết thủ tục, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với cơ quan quản lý. Giấy kiểm dịch hiện nay có thời hạn 3 tháng khi nào hết thời hạn thì doanh nghiệp xin cấp phép tiếp chứ không cấm. Không làm như hiện nay mỗi contener lại xin cấp 1 giấy phép mất nhiều thời gian trong quá trình giải quyết".
Về đề xuất ngoài 26 quốc gia đang nhập khẩu nguyên liệu hiện nay, Cục Thú y đàm phán thêm các quốc gia khác để giảm áp lực cạnh tranh về nguồn hàng và tạo thêm công ăn việc làm cho lao động, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ, doanh nghiệp khi có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia cần làm văn bản gửi Cục Thú y, trên cơ sở này Cục sẽ đàm phán. Doanh nghiệp cần cạnh tranh lành mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định chính là bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp.
Qua đối thoại với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Long đánh giá, các doanh nghiệp đã cơ bản hiểu rõ các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Nếu doanh nghiệp chưa hiểu rõ có thể trao đổi trực tiếp với cơ quan kiểm dịch.
Về hệ thống một cửa quốc gia, đôi lúc bị nghẽn, ông Nguyễn Văn Long đề xuất, cả doanh nghiệp và cơ quan kiểm dịch cần rà soát lại hệ thống điện tử. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, doanh nghiệp cần kịp thời phản ánh với cơ quan thú y và hải quan. Trường hợp hệ thống lỗi, hay chưa đáp ứng được yêu cầu Thông tư mới thì cần phối hợp với cơ quan hải quan chấp nhận bản giấy cho doanh nghiệp.
"Các đơn vị kiểm dịch cần đồng hành, tích cực phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có sự cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định, theo hướng bền vững để phát triển", ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Đỗ Hương