Ông Tuấn Anh đưa ra một số trường hợp vướng mắc như sau:
Tháng 4/2013, ông Phạm Hồng H. xây dựng một nhà cấp 4 mái tôn (không có giấy phép). Tại thời điểm xảy ra vi phạm, UBND phường chỉ lập biên bản vi phạm hành chính theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BXD.
Hiện nay, để tiếp tục xử lý dứt điểm hành vi vi phạm nêu trên, đơn vị của ông Tuấn Anh hướng dẫn UBND phường thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đô thị theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD. Tuy nhiên, một số ngành lại cho rằng, UBND phường không đủ thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ, việc khắc phục hậu quả áp dụng theo quy định tại Điều 65 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, năm 2013 đã thiết lập biên bản vi phạm nay không được lập biên bản nữa.
Ông Tuấn Anh đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về trình tự xử lý công trình vi phạm nêu trên.
Trường hợp thứ hai, năm 2010, gia đình bà Vũ Thị M. tự ý xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, UBND phường lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định đình chỉ thi công nhưng không xử lý dứt điểm.
Năm 2013, hộ bà M đã chuyển nhượng thửa đất và ngôi nhà cho ông Nguyễn Đức H. sử dụng. Trong thời gian từ 2013-2016 lại phát sinh thêm một số nội dung vi phạm khác. Khi UBND phường thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, không có người đứng ra nhận là chủ đầu tư.
Ông Tuấn Anh hỏi, để xử lý đối với các công trình vi phạm chưa xác định được chủ đầu tư thì sẽ thực hiện như thế nào?
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Tuấn Anh, trình tự xử lý vi phạm quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 Nghị định 180/2007/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 2, Thông tư 02/2014/TT-BXD có sự không thống nhất về trình tự thời gian và các loại văn bản có liên quan (thời gian ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ). Do vậy, ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn.
Đối với Luật Xây dựng, hiện Luật đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm về trật tự xây dựng theo luật lại chưa có, gây khó khăn cho việc thực hiện, đặc biệt là vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Ông Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản thay thế các văn bản cũ.
Về các vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Một hành vi vi phạm chỉ lập biên bản một lần
Đối với tình huống vướng mắc thứ nhất, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định, “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần”. Do vậy, nếu hành vi vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm hành chính thì nay không lập lại biên bản mới.
Nếu đã quá thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Về thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ của Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch UBND phường có thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Trình tự áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12/2/2014 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
Đối với trường hợp thứ hai, về xử lý đối với trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, Khoản 2, Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, “Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”.
Thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ
Thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ áp dụng theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BXD.
Tại Khoản 1, Điều 2 của Thông tư số 02/2014/TT-BXD quy định thời hạn ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khác thời hạn quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP là do áp dụng đồng thời hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.
Theo đó, phải tuân thủ thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Về việc sớm ban hành văn bản thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Nghị định này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.