Theo tuyên bố vừa gửi tới báo giới, mỗi đơn đề nghị xóa dữ liệu cá nhân cần phải được đánh giá riêng rẽ và đội ngũ nhân viên của hãng đang đẩy nhanh tiến độ này. Google cho biết kể từ khi công bố mẫu đơn đăng ký hồi tháng 5 cho tới nay, hãng đã nhận được tổng cộng 12.000 đơn đề nghị. Tất cả các đơn này sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng để xác định đơn nào đủ điều kiện để được xóa bỏ thông tin. Tuy nhiên, Google cũng thông báo các dữ liệu sẽ chỉ bị xóa tại hệ thống mạng châu Âu và vẫn sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm tại những khu vực khác.
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Tòa án Công lý châu Âu đã ra phán quyết cho phép người dân tại “lục địa già” có quyền đề nghị Google xóa các dữ liệu cá nhân của họ trên kết quả tìm kiếm của hãng này khi dữ liệu đó lạc hậu, không còn phù hợp, không liên quan hoặc không còn liên quan (đến cá nhân) cũng như thông tin thừa.
Phán quyết trên được tòa án của EU đưa ra dựa trên khiếu nại của một công dân Tây Ban Nha. Người này đã khởi kiện ra tòa khi những thông tin về việc người đó dính líu đến một vụ đòi nợ tiếp tục xuất hiện trên một tờ báo điện tử dù vụ đòi nợ đã được giải quyết xong. Phán quyết trên cũng xuất phát từ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện hành tại châu Âu, một vấn đề trở nên càng ngày càng nhạy cảm sau các vụ tai tiếng thu thập thông tin của các cơ quan tình báo Mỹ và các nước bị phanh phui thời gian qua.
Tuy nhiên, ngược lại, cũng có nhiều ý kiến quan ngại rằng việc cho phép người dân quyền thay đổi thông tin cá nhân trên mạng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động báo chí điều tra.
Để lọc các đơn yêu cầu, Google đã thành lập một ủy ban cố vấn quy tụ nhiều nhân vật tiếng tăm trong làng công nghệ như cựu Chủ tịch Google Eric Schmidt, người sáng lập Wikipedia Jimmy Wales, chuyên gia Viện Internet Oxford Luciano Floridi, phái viên Liên Hợp Quốc về quyền tự do ngôn luận Frank La Rue.
Thu Huyền