In bài viết

Góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra

(Chinhphu.vn) – Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách nhà nước nhằm mục tiêu hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

16/08/2023 15:19
Góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo Nghị quyết đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra - Ảnh: VGP/ĐH

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách nhà nước là nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo quy định do đã quy định đây là các khoản được trích từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, nên không trùng lắp với các khoản thu hồi phát hiện qua Kiểm toán nhà nước hoặc số tăng thu ngân sách nhà nước so với dự toán. 

Đa số ý kiến đề nghị cần thiết kế cụ thể về thủ tục trích, nộp, trong đó làm rõ trình tự, thủ tục đối với: Các khoản thu hồi do đối tượng thanh tra trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước; các khoản thu hồi đã được cơ quan thanh tra nộp vào ngân sách nhà nước từ tài khoản tạm giữ sau khi đối tượng thanh tra nộp vào tài khoản tạm giữ theo kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Ngoài ra, đề nghị cần rà soát, sắp xếp nội dung liên quan đến lập, giao dự toán và quyết toán kinh phí được trích để áp dụng thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước và phù hợp các quy định pháp luật.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tờ trình, hồ sơ, tài liệu dự thảo Nghị quyết, báo cáo vào đợt hai của Phiên họp. Đồng thời, lưu ý bổ sung thông tin đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là các nội dung liên quan đến bộ máy thanh tra các cấp, số lượng người, đơn vị thụ hưởng…

Cùng với đó, cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh rõ ràng; rà soát quy định đầy đủ thủ tục trích, trình tự, thủ tục lập dự toán, giao dự toán, nộp, quyết toán kinh phí được lập để bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện được ngay.

Nguyễn Hoàng