Ngày 6/12, Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thành lập, 15 năm hoạt động của Quỹ.
Được thành lập từ năm 2003 theo Nghị định 122/2003/NĐ-CP của Chính phủ, sau 5 năm chuẩn bị hành lang pháp lý, Quỹ phát triển KHCN quốc gia chính thức triển khai hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2008. Sau 15 năm, Quỹ đã tài trợ hơn 4.000 đề tài nghiên cứu của 20.000 nhà khoa học và 300 tổ chức trên cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái biểu dương và ghi nhận các thành tích đạt được của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia trong suốt 20 năm hoạt động, 15 năm triển khai tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu KHCN vừa qua.
Hiện nay, Quỹ đã trở thành địa chỉ được đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức KHCN trên khắp cả nước biết đến, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, hội nhập quốc tế tại Việt Nam.
Các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đã có tác động đối với các nhà khoa học, các tổ chức KHCN trên khắp cả nước. Các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các chương trình tài trợ, hỗ trợ, đặc biệt là Chương trình tài trợ Nghiên cứu cơ bản - một trong những chương trình tài trợ trọng tâm của Quỹ - đã tạo ra xu thế công bố khoa học quốc tế tại Việt Nam trong 15 năm qua, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy chỉ số GII, chỉ số GCI của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị Quỹ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong công tác quản lý, tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu tại Việt Nam.
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hàng lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có thể vận hành Quỹ theo đúng thiết kế ban đầu là một cơ quan tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu KHCN chuẩn mực quốc tế, thu hút và tiếp nhận được nguồn kinh phí cả từ trong và ngoài ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng được các đặc thù trong hoạt động triển khai nghiên cứu KHCN, vừa bảo đảm hiệu quả tài trợ, hỗ trợ.
Đồng thời tiếp tục giữ vững mục tiêu chiến lược tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực KHCN quốc gia, bao gồm nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực KHCN trình độ cao.
Một mặt tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, hỗ trợ kết nối mạng lưới hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu thông qua các nhiệm vụ KHCN được tài trợ và chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KHCN quốc gia. Mặt khác thúc đẩy các nghiên cứu khoa học xuất sắc, đột phá, quy mô lớn, có tầm nhìn dài hạn, phát hiện, tạo môi trường để các nhà khoa học xuất sắc, các tập thể nghiên cứu mạnh phát huy được sở trường, thế mạnh, khơi thông sức sáng tạo, trí tuệ con người Việt Nam.
Ngoài ra, nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành và tính minh bạch trong hoạt động, chuyển đổi số mạnh mẽ trong các hoạt động khoa học và quản lý, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi đối với các nhà khoa học, các tổ chức KHCN, tiếp tục chứng minh hiệu quả nhằm gia tăng thu hút đầu tư kinh phí từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu KHCN.
Hoàng Giang