Ảnh: VGP/Lê Anh |
Trên 200 đại biểu đại diện cho các Sở Công Thương địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… đã tham gia đóng góp ý kiến cho Đề án này trong hội nghị do Bộ Công Thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 25/7.
Các đại biểu nhất trí với những đề xuất mà Bộ Công Thương đưa ra, đồng thời cũng nêu nhiều ý kiến thiết thực góp ý cho đề án.
Trong nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các đại biểu cho rằng cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại theo ngành hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước, tìm kiếm và mạnh dạn đầu tư ở thị trường mới như: Myanmar, châu Phi..
Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng phát triển hệ thống bán lẻ, tham gia chuỗi giá trị trong nước cũng như toàn cầu, bảo vệ người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp thì Bộ Công Thương cần phải tăng cường các hoạt động quản lý thị trường. Nghiên cứu phát triển chợ đầu mối (đồ gỗ, sản phẩm hải sản..) để tạo đầu mối cho các doanh nghiệp, thương nhân trao đổi, mua bán.
Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cũng đề xuất với Bộ cho phép các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp (vay ngoại tệ) để đầu tư, cải tiến công nghệ bằng thiết bị trong nước sản xuất được..
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Đề án tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được xây dựng một cách toàn diện gồm nhiều nhóm giải pháp về vốn, lãi suất, chính sách thuế, hải quan, thị trường áp dụng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có tính đến các giải pháp trung và dài hạn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định lâu dài.
Qua các ý kiến góp ý của đại diện Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đại diện các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý, hoàn thiện đề án để trình Chính phủ.
Lê Anh