In bài viết

Góp ý Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(Chinhphu.vn) – Ngày 7/11, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) tổ chức Tọa đàm góp ý và trao đổi về một số vướng mắc liên quan đến thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

07/11/2023 17:40
Góp ý Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 1.

Tọa đàm góp ý và trao đổi về một số vướng mắc liên quan đến thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh: VGP

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, một số quy định đã được sửa đổi, bổ sung với nhiều điều khoản, quy định mới liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định khi Luật có hiệu lực, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, qua nghiên cứu nội dung dự thảo Nghị định và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, ý kiến của một số tổ chức tín dụng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận thấy có một số vướng mắc cần tháo gỡ trong triển khai Luật và có ý kiến góp ý đối với dự thảo.

Theo đó, để tránh phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự tùy nghi trong việc giải quyết tranh chấp tại các cơ quan, ý kiến từ đại diện một số tổ chức tín dụng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung hướng dẫn vào dự thảo Nghị định về việc hoạt động nhận tiền gửi và Cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo Luật các Tổ chức tín dụng không phải hoạt động mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, đề nghị có các hướng dẫn, quy định và chế tài định hướng việc người tiêu dùng nên là người tiêu dùng thông minh thay vì bảo vệ theo hướng ý chí quản lý Nhà nước – sẽ bị mâu thuẫn và xung đột nguyên tắc bình đẳng, thỏa thuận của pháp luật dân sự, thuận mua vừa bán của pháp luật thương mại...

Trao đổi tại Tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, tại Luật sửa đổi lần này, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định tại Luật năm 2010, Luật cũng bổ sung một số quy định mới để bảo đảm điều chỉnh toàn diện các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Ngay sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội thông qua, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ xem xét vào tháng 12/2023.

"Đến ngày 25/10, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã tổng hợp ý kiến của 15 Bộ, 44 tỉnh, thành, 7 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp khác. Trên cơ sở tiếp thu, giải trình các ý kiến nêu trên, dự thảo Nghị định hiện đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét", bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.

Anh Minh