Đây không phải năm đầu tiên Grab tập trung cải thiện dịch vụ và vận hành để phục vụ người dùng trong các đợt cao điểm về du lịch.
Bên cạnh cải tiến công nghệ, trong năm 2023, Grab đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng vào vận hành dịch vụ tại các sân bay, ga tàu, bến xe để nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho hành khách, gia tăng hiệu quả hoạt động cho đối tác tài xế, tăng cường nhân sự vận hành và hỗ trợ tại các khu vực này. Đó là chưa kể các chương trình hợp tác với các bên liên quan để đảm bảo Grab có thể phục vụ hành khách nhanh chóng với chất lượng tốt nhất có thể.
Bà Nguyễn Hạnh Linh, Giám đốc Bộ phận Di chuyển, Grab Việt Nam, cho biết: "Mục tiêu hàng đầu của Grab là tạo điều kiện để cả hành khách trong nước và du khách quốc tế dễ dàng nhận diện dịch vụ Grab, đặt xe - đón xe một cách nhanh chóng và có những hành trình an toàn, tiện lợi, tiết kiệm cùng Grab."
Ngành du lịch Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, với số lượng khách du lịch nội địa đạt mức cao lịch sử (103,2 triệu) và lượng khách quốc tế được ghi nhận ở mức tương đương 70% (12,59 triệu) so với trước đại dịch COVID-19 năm 2019.
Với sự có mặt của dịch vụ GrabCar và GrabBike tại các sân bay, ga tàu, bến xe trên cả nước, người dùng đã có thêm nhiều lựa chọn di chuyển an toàn, tiện lợi và tin cậy. Trong năm 2023, tổng số chuyến xe GrabBike và GrabCar có điểm đến/ điểm đón là sân bay, ga tàu, bến xe trên toàn quốc lần lượt tăng 36% và 68% so với năm 2022.
Đáng chú ý, trong năm 2023, số chuyến xe Grab có điểm đón là hai sân bay quốc tế lớn nhất nước, Tân Sơn Nhất và Nội Bài, lần lượt tăng 134% và 178% so với năm 2022. Điều này cho thấy dịch vụ di chuyển của Grab không chỉ được người dùng nội địa ưa chuộng mà còn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách quốc tế, nhờ vào lợi thế là ứng dụng cung cấp dịch vụ hàng ngày hiện diện ở 8 quốc gia Đông Nam Á.
Hành khách đôi khi có thể gặp khó khăn khi đón xe tại các sân bay đông đúc. Tận dụng lợi thế về công nghệ, Grab đã giải quyết sự bất tiện này với tính năng "hướng dẫn di chuyển bên trong sân bay" để hỗ trợ hành khách di chuyển dễ dàng với GrabCar và GrabBike.
Ngay khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, cả du khách trong nước lẫn quốc tế đều có thể được chỉ dẫn đường đi đến các điểm đón xe Grab một cách thuận tiện. Các chỉ dẫn được thể hiện bằng hình chụp thực tế, hiển thị ngay trên ứng dụng Grab của hành khách.
Ngoài ra, Grab còn mang đến trải nghiệm di chuyển liền mạch thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động cho các đối tác tài xế. Ví dụ, tính năng Xếp hàng tại sân bay cho phép các đối tác tài xế Grab có thể biết được thứ tự xếp hàng của họ theo thời gian thực tại các sân bay, bao gồm số thứ tự và thời gian chờ ước tính. Nhờ những thông tin chính xác này, đối tác tài xế có thể thuận tiện quản lý thời gian của mình nhằm tối ưu hoá hiệu quả hoạt động tại sân bay.
Những nỗ lực này đã và đang mang đến nhiều kết quả tích cực. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách tại ga đến quốc nội có thể đón xe Grab ở làn xe riêng an toàn và thuận tiện hơn. Grab cũng tăng cường các hình ảnh quảng bá thương hiệu và đội ngũ nhân sự hỗ trợ trực tiếp ngay tại sân bay để có thể kịp thời phục vụ hành khách.
Tại Lâm Đồng, Grab vừa triển khai dịch vụ GrabCar theo tuyến sân bay Liên Khương - Đà Lạt và ngược lại. Tại sân bay Đà Nẵng, Grab đang phối hợp với cơ quan quản lý để thắt chặt quy trình vận hành của dịch vụ GrabCar, đảm bảo hành khách có thể dễ dàng nhận biết vị trí đón trả khách của Grab, đồng thời đặt xe GrabCar một cách an toàn và tiện lợi.
Tại Bến xe Miền Đông mới tại TPHCM, Grab đang thiết lập một bãi đệm cho các xe GrabCar và tung ra ưu đãi cho hành khách nhằm cải thiện kết nối, kích cầu tại địa điểm này theo định hướng của Sở Giao thông vận tải TPHCM.
Trên toàn khu vực Đông Nam Á, Grab đang phối hợp với các sân bay quốc tế để nâng cao trải nghiệm di chuyển của hành khách, bắt đầu từ khi họ đặt chân đến một quốc gia cho đến khi họ kết thúc chuyến du lịch. Grab tăng cường mạng lưới đối tác tài xế tại các sân bay, đồng thời cung cấp thêm các chương trình đào tạo, từ đó giúp hành khách có trải nghiệm tốt nhất ngay từ những chuyến xe đầu tiên. Tại nhiều sân bay, Grab đã thiết lập các khu vực chờ hoặc phòng chờ giúp mang đến "trải nghiệm sân bay" tốt nhất cho hành khách.
Các hoạt động quảng bá thương hiệu của Grab không chỉ giới hạn trong phạm vi Đông Nam Á. Ví dụ, với các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ… vốn có xu hướng chọn Việt Nam là địa điểm du lịch yêu thích, Grab đang tích cực đưa thông điệp du lịch an toàn đến các du khách tiềm năng. Điều này giúp du khách dễ dàng tải ứng dụng Grab, đặt chuyến xe Grab với giá cước được hiển thị rõ ràng ngay trên ứng dụng, sau đó di chuyển an toàn, tiện lợi ngay khi họ vừa đặt chân đến Việt Nam.
Thông qua các dịch vụ hằng ngày đa dạng trên nền tảng, Grab hướng đến khuyến khích người dùng trong và ngoài khu vực du lịch khám phá Việt Nam nói riêng và một Đông Nam Á giàu bản sắc nói chung.
Bà Nguyễn Hạnh Linh cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại các sân bay, bến xe, ga tàu để GrabCar và GrabBike thực sự là dịch vụ di chuyển đáng tin cậy, an toàn cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Điều này cũng có ý nghĩa cho các đối tác tài xế Grab, vì khi đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển tăng cao trong mùa du lịch hè đồng nghĩa với thêm nhiều cơ hội thu nhập cho họ."
Grab là một siêu ứng dụng hàng đầu tại Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ giao nhận, di chuyển và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Grab đang cung cấp dịch vụ tại hơn 700 thành phố thuộc 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Mỗi ngày, Grab hỗ trợ hàng triệu người dùng đặt thức ăn, đi chợ hộ, gửi hàng hóa, đặt xe ô tô hoặc xe taxi, thanh toán trực tuyến hoặc tiếp cận với các dịch vụ cho vay, bảo hiểm, tất cả thông qua một ứng dụng duy nhất.
Grab được thành lập vào năm 2012 với sứ mệnh đưa Đông Nam Á tiến về phía trước thông qua việc tạo thêm cơ hội kinh tế cho mọi người và nỗ lực hướng đến ba mục tiêu: mang đến hiệu quả tài chính bền vững cho các đối tác, tạo ra những ảnh hưởng xã hội tích cực và góp phần bảo vệ môi trường cho khu vực Đông Nam Á.
Phan Trang