Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và biểu dương các cấp, các ngành, đơn vị tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đề cập đến các chính sách phát triển KT-XH của tỉnh Hà Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Hà Giang đã tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đồng bộ, đem lại hiệu quả tích cực; đổi mới lề lối, nâng cao ý thức trách nhiệm, giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với đồng bào. Chỉ đạo thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên các lĩnh vực như: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh-định cư theo; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cấp không thu tiền đối với một số báo, tạp chí; chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người (Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011-2020; chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ gạo Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; chương trình hồ chứa nước sinh hoạt, chính sách đào tạo cán bộ cơ sở.
Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ tình hình KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều khởi sắc, bản sắc văn hóa các dân tộc được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng củng cố và phát triển; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng khá; đến nay 85% tỉ lệ hộ có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt; trên 75 % hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nêu rõ Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng KT-XH còn thiếu và lạc hậu như giao thông đi lại khó khăn; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; GDP bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của cả nước; chất lượng nguồn lao động còn thấp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp (xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố). Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn hạn chế, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trình độ dân trí cần được nâng cao hơn nữa.
Đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, số hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao (tỉ lệ hộ nghèo 38,75%).
Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Về mục tiêu, giải pháp phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo của tỉnh Hà Giang thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết tỉnh cần hoàn thành các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng; sản xuất hàng hoá tập trung ở các xã, thôn, bản; bảo đảm điện lưới thắp sáng, nước sạch, trạm y tế, chợ, hệ thống truyền dẫn sóng đồng bộ của phát thanh, truyền hình, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với sắp xếp ổn định dân cư, hạn chế di dân tự do…
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Hà Giang đẩy mạnh các mục tiêu phát triển KT-XH toàn diện, nhanh, bền vững; giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, tăng thu nhập bình quân cho hộ nghèo. Tỉnh cần xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng các ngành nông nghiệp và tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa vùng dân tộc thiểu số; tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Hà Giang cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số như nhà ở, quy hoạch dân cư những vùng thường bị thiên tai theo hướng ổn định và phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi tỉnh cần tính toán nguồn lực tại chỗ, xác định thế mạnh và tiềm năng của tỉnh để đầu tư phát triển (dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, các loại hình dịch vụ để tạo động lực đột phá). Muốn vậy phải thu hút các nhà đầu tư kết hợp với nguồn lực tại chỗ, kể cả đầu tư nước ngoài với các cơ chế, chính sách mở, cải cách hành chính. Có chính sách sử dụng nguồn nhân lực đã và đang được đào tạo về phục vụ tại các địa bàn khó khăn, không để mai một và lãng phí nguồn nhân lực này.
Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của Đảng và Nhà nước cần được đa dạng hoá các loại hình giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, nhất là vùng dân tộc thiểu số.
Hà Giang chú ý phát triển kinh tế biên mậu gắn với việc khởi nghiệp bởi hiện nay tỉnh còn quá ít doanh nghiệp so với cả nước. Đặc biệt, chú ý hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, hiệu quả, doanh nghiệp xã hội ở vùng đồng bào khó khăn, biên giới để nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên từng địa bàn khu dân cư.
“Tỉnh cần có giải pháp chăm lo sức khoẻ nhân dân, ngăn chặn cho được nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hoá gia đình, bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ quyền trẻ em, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Đồng thời chú trọng việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của đồng bào, phát triển hệ thống và thiết chế văn hoá gắn với các di tích lịch sử của từng vùng, nâng cao chất lượng vận động tuyên truyền, chống các biểu hiện mê tín, dị đoan”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, việc phát triển KT-XH phát gắn chặt chẽ với bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tỉnh cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số để xây dựng đội ngũ lãnh đạo cốt cán tại các địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Có chính sách khuyến khích người có uy tín trong đồng bào dân tộc để góp phần xây dựng, củng cố chính quyền, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Vận động nhân dân tự giác chấp hành tốt chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Là tỉnh biên giới, Hà Giang cần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là kinh tế biên mậu gắn với việc xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng quà người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Báo cáo của tỉnh Hà Giang cho biết tỉnh có số dân số hơn 800.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 32%; có 6 dân tộc thuộc diện ít người (dân số dưới 10.000 người); có 6/11 huyện nghèo thuộc Đề án 30a của Chính phủ.
Trong những năm qua, công tác dân tộc trong tỉnh có nhiều chuyển biến và hiệu quả thiết thực. Đó là, chính sách phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số như phát triển hệ thống trường dân tộc thiểu số, cử tuyển sinh viên, tuyển chọn trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã vùng khó khăn. Đến nay, cán bộ công chức cấp xã có 4.385 người, trong đó 3.764 người là dân tộc thiểu số (chiếm 83,78%), công chức và viên chức cấp huyện là 28.693 người, trong đó người dân tộc thiểu số là 77,47%.
Công tác xây dựng đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào khó khăn được quan tâm, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 69,5% tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ. Tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện chiếm 53%, cấp xã đạt 86%...
Về kết quả xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đến nay tỉnh Hà Giang đã có 3.210 hộ gia đình được hỗ trợ đất sản xuất, trên 58.000 lượt hộ nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hơn 300.000 lượt người nghèo, cận nghèo được tập huấn kỹ thuật khuyến nông, hơn 17.000 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà ở, 100% học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí và các khoản đóng góp; 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được trợ giúp lương thực lúc giáp hạt, từ 2011 đến nay có trên 78.000 lượt lao động được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong đó, 43 nghìn lao động là dân tộc thiểu số ở nông thôn), tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% năm 2010 lên 46% năm 2015.
Tuy nhiên, hiện có hơn 5.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng người địa phương (kể cả sinh viên cử tuyển) không có việc làm. Nguồn lực đầu tư vẫn còn ở mức thấp, nhỏ lẻ, chưa đủ so với quy định (chương trình 135 mới phân bổ được 66%, các dự án khác chỉ đạt từ 10-25% so với nhu cầu hỗ trợ), làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của các chính sách.
Tại cuộc làm việc, tỉnh Hà Giang cũng đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực để phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đã gặp gỡ, tặng quà các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Lê Sơn