Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết: Để nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm trên 5%, UBND tỉnh này đã triển khai đề án "Phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung giai đoạn 2011-2015", phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 25.000 ha đậu tương, sản lượng đạt 40.000 tấn.
Đề án sẽ triển khai thực hiện ở 7 huyện nghèo: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và huyện vùng sâu Bắc Mê. Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các huyện vận động bà con dân tộc thiểu số chuyển đổi diện tích cây màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng đậu tương. Ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh có trách nhiệm lựa chọn bộ giống phù hợp từng vùng, tiểu vùng khí hậu, phấn đấu đến năm 2015, 100% diện tích đậu tương ở 7 huyện được sử dụng bộ giống phù hợp. Trong năm 2011, tỉnh phấn đấu đưa diện tích đậu tương của 7 huyện từ 20.007 ha lên 20.891 ha, năng suất bình quân đạt 12,07 tạ/ha; triển khai chương trình sản xuất giống tại chỗ, sản xuất 360 ha giống mới, năng suất cao để cung ứng 540 tấn giống mới chuẩn bị cho năm 2012-2013...
Đề án xây dựng các giải pháp về nguồn vốn hỗ trợ đơn vị sản xuất giống và người dân vay thâm canh. Tổng số tiền dự kiến thực hiện trên 219 tỷ đồng, trong đó 3,6 tỷ đồng cho 2 Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh vay sản xuất giống tại chỗ; bà con dân tộc thiểu số 7 huyện vay 207 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Hà Giang; đồng thời các huyện bố trí nguồn kinh phí từ vốn Chương trình Nông nghiệp trọng tâm hỗ trợ lãi suất cho bà con.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang Nguyễn Đức Vinh cho biết: Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với UBND 7 huyện hướng dẫn, tăng cường công tác chỉ đạo, tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh đậu tương cho bà con dân tộc thiểu số nắm bắt được tiến bộ mới trong việc áp dụng vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh đạt năng suất cao, theo từng loại giống trồng đại diện cho các vùng. Từ đó phổ biến, tuyên truyền nhân ra diện rộng. Các mô hình này được chọn liền vùng, liền khu để liên tục duy trì trong nhiều vụ, thuận lợi cho việc tham quan học tập nhân rộng.
Ngành chỉ đạo thực hiện quy hoạch thành vùng, mở rộng diện tích, thâm canh tăng năng suất, đưa những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất thành hàng hóa; mở rộng diện tích trên chân ruộng 1 vụ và đất trồng ngô, đất nương rẫy hiệu quả thấp sang trồng đậu tương. Ngành thường xuyên kiểm tra chỉ đạo công tác kỹ thuật, xử lý kịp thời tình hình sâu bệnh hại phát sinh; quản lý chặt chẽ về khâu giống, cung ứng giống, phân bón các loại cho các chương trình thâm canh đảm bảo kịp thời và hiệu quả; vận động bà con dân tộc thiểu số ở 7 huyện đưa các bộ giống mới có năng suất cao vào sản xuất. 2 Trung tâm giống cây trồng của tỉnh hợp tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển đậu đỗ Thanh Trì (Hà Nội), các Vụ, Viện Trung ương thực hiện chương trình sản xuất, nhân giống đậu tương...
Minh Tâm