Việc thủy điện ngăn dòng ở thượng nguồn sông Ba gây khô cạn, ô nhiễm trầm trọng ở đoạn qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai chưa giải quyết xong thì cả một vùng hạ lưu rộng lớn của dòng sông này đang đối mặt với tình trạng khô hạn khốc liệt nhất từ trước đến nay và sông có nguy cơ thành sông chết.
Bị “bẻ quặt” dòng chảy
Con người đã can thiệp vào dòng chảy, nước không còn chảy xuống vùng hạ lưu qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên như dòng chảy vốn có của nó: Nước ở thượng nguồn dòng sông này bị ngăn lại rồi “hất” sang sông Kôn (Bình Định).
Vào tháng 8-2010, công trình Thủy điện An Khê Ka Nak - thủy điện đầu tiên trên thượng nguồn trong hệ thống chín bậc thang thủy điện của sông Ba chặn dòng. Tháng 1-2011, thủy điện này bắt đầu tích nước để chuẩn bị phát điện vào tháng 6 tới. Dự án thủy điện này có hai bậc, bậc trên là Thủy điện Ka Nak có hồ chứa nước với dung tích đến 285 triệu m 3 (công suất 10 MW). Nước sau khi qua các tua bin của thủy điện Ka Nak, thay vì phải trả nước lại cho sông Ba, người ta cho dẫn toàn bộ nguồn nước này theo đường ống xuyên đèo An Khê để đổ dựng đứng xuống thủy điện bậc dưới An Khê, có hồ chứa nước 5,6 triệu m 3 nhưng công suất nhà máy lên đến 160 MW. Sau đó nguồn nước này đổ ra sông Kôn, chảy về hạ lưu Bình Định.
Hiện hầu hết nước ở thượng nguồn sông Ba đang bị dồn ứ vào hồ chứa của thủy điện bậc trên để chuẩn bị thực hiện ý tưởng này làm cả một đoạn dài hàng chục kilomet của sông Ba đang bị trơ đáy. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, bức xúc: “Quy luật dòng chảy tự nhiên của sông Ba bị can thiệp thô bạo, phi lý. Sự thay đổi hoàn toàn dòng chảy này đang giết con sông dài nhất miền Trung”.
Thủy điện đua nhau tích nước
Nguồn nước ở thượng nguồn bị chặn, đang vào mùa khô nên hàng loạt nhà máy thủy điện khác trên sông Ba cũng đua nhau tích nước từ các nhánh sông. Ông Võ Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ, thủy điện cuối cùng trong bậc thang thủy điện sông Ba, thừa nhận: “Sự thay đổi dòng chảy của sông Ba khiến các nhà máy thủy điện còn lại đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Năm nay, mùa khô đến sớm trong khi các thủy điện ở thượng nguồn sông Ba đều tăng cường tích nước nên lưu lượng nước về hồ thủy điện sông Ba Hạ thấp nhất từ trước đến nay”. Hiện mực nước của hồ thủy điện sông Ba Hạ chỉ còn cao hơn mực nước chết 1,2-1,5 m, là mức nước thấp nhất vào đầu mùa khô so với các năm trước và đang tiếp tục xuống nhanh từng ngày. Cũng theo ông Tri, với lưu lượng nước bổ sung cho hồ quá ít như hiện nay, cả hai tổ máy của nhà máy thủy điện này (với công suất thiết kế 220 MW) có nguy cơ ngừng hoạt động và khó có thể tiếp tục cấp nước cho vùng hạ lưu. Tương tự, lưu lượng nước đổ về hồ chứa của các Nhà máy Thủy điện Krông H’năng, sông Hinh hiện đã giảm 50%-60% so với các năm trước và thấp nhất từ trước đến nay dù các nhà máy thủy điện này đã “hút” nước của hầu hết các nhánh sông.
Hạ lưu điêu đứng
Ông Trần Công Danh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Phú Yên, nói: “Mới vào đầu mùa khô nhưng hạ lưu sông Ba bị kiệt nước rất sớm do các nhà máy thủy điện tích nước phát điện nhưng trả nước về hạ lưu rất ít. Dự báo tình hình này càng nghiêm trọng hơn trong những tháng tới toàn khu vực tỉnh Phú Yên có nguy cơ bị khô hạn gay gắt”. Thực tế cả một vùng hạ lưu rộng lớn của sông Ba đang phải ngóng chờ từng mét khối nước “lọt” qua các nhà máy thủy điện. Hiện nay đoạn sông ngay dưới cửa xả của Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ đã bị khô cạn.
Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam - đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thủy nông lớn nhất duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, theo thiết kế, lưu lượng nước qua đập đầu mối hệ thống thủy nông Đồng Cam phải cao hơn 30 m 3 mới đảm bảo cho các kênh chính Bắc và Nam hoạt động. “Tuy nhiên, hơn hai tháng qua hiếm khi có đủ lưu lượng nước này qua đập. Năm nay dự báo việc cung cấp nước cho khu vực đồng bằng chắc chắn sẽ không đủ” - ông Anh nói.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, bức xúc: “Hiện các nhà máy thủy điện tích nước nhưng không tính đến nhu cầu nước của vùng hạ lưu. Tình trạng này gây khó khăn rất lớn đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất trong mùa khô năm nay của Phú Yên. Hàng vạn cư dân sống ở vùng hạ lưu đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trầm trọng”.
Tấn Lộc - PLTP