In bài viết

Hà Nam: Cần xử lý nghiêm nạn hút cát trái phép trên sông Châu Giang

Khúc sông Châu Giang chảy qua địa bàn thôn An Lạng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đã không còn yên tĩnh

14/10/2011 14:58
Tại khúc sông Châu Giang chảy qua địa bàn thôn An Lạng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) hàng ngày có từ 3 đến 4 chiếc tầu hạng nặng thi nhau hút cát trái phép khiến cho cuộc sống của hơn chục hộ dân tại xóm 13 bị mất đi sự thanh bình vốn có. Đó là thực trạng xảy ra đã vài năm trở lại đây, tiếng tầu chạy, tiếng máy nổ hút cát ầm ầm đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt cũng như cuộc sống của người dân. Nhiều lần họ đã gửi ý kiến, kiến nghị tới các cấp, các ngành chức năng nhưng mọi sự giải quyết đều dừng lại ở lời hứa của chính quyền UBND xã Văn Lý.
Dẫn chúng tôi men theo bờ sông, anh Phạm Văn An, xóm 13, thôn An Lạng chỉ những hố, hàm ếch sâu hoắm dưới chân đoạn đê bao bọc xóm. Anh An cho biết: Những ngày này nước lên cao nên không lộ rõ hết những hàm ếch này, nhưng khi nước xuống thấp mới thấy được sự nguy hiểm rình rập. Được biết, đoạn đê này trước đây dùng để quây bãi hút cát, phục vụ cho một đơn vị thi công nạo vét lòng sông, lui vào khoảng hơn chục mét là những ngôi nhà và ruộng vườn của 15 hộ dân. Có ngôi nhà mới được xây mái bằng kiên cố, cao ráo, bên cạnh đó cũng có những nhà lụp sụp, cũ kỹ được xây dựng cách đây vài chục năm, nước mà lên thì chẳng biết chạy vào đâu. Ném viên gạch vỡ xuống dòng nước ngay sát chân đê khiến nước bắn lên tung tóe, anh An nói: "Các nhà báo đừng đứng sát mép đê quá, cái hố này sâu lắm đấy, phải đến hơn chục mét, rơi xuống đây thì nguy". Đúng là nguy thật, người dân cho biết đó là một trong nhiều thúng cát, là sản phẩm để lại của những chiếc tầu kia.
Chị Lê Thị Hiền còn nhớ rõ một ngày cách đây khoảng 1 năm, khi có mấy đứa trẻ chạy về báo tin dữ con chị (sinh năm 2.000) đang bị nguy kịch khi rơi xuống thúng cát. Bủn rủn chân tay chạy ra thấy con mình đang nằm sõng soài mà chị ngất lịm. Nhưng thật may, có người am hiểu về vùng sông nước và có kinh nghiệm cứu người đã làm những động tác hô hấp nhân tạo để cứu cháu bé. Nhưng có một điều thật đáng buồn đã xảy ra đối với cháu Lê Văn Cường, con của chị Nhữ Thị Liên đi chơi cùng con chị Hiền hôm đó đã bị chết đuối. Các cháu kể lại rằng có 4 đứa đi chơi với nhau, mải chơi quên đi mối nguy hiểm nên 3 đứa bị trượt chân ngã xuống thúng cát, đứa còn lại chạy về báo tin với người lớn. Họ ra đến nơi cũng chỉ cứu được 2 cháu lên, trong đó có con chị Hiền. Còn cháu Lê Văn Cường đã mãi mãi không về được với các bạn. Nhiều lần lặn xuống sâu mà không vớt được xác cháu bé, người dân phải huy động thuyền câu, dùng móc sắt mò đến nửa ngày mới thấy.
Biết có phóng viên về tìm hiểu thông tin, nhiều người dân đã đến và bày tỏ nhiều sự bức xúc. Họ cho biết, nhiều lần đã kiến nghị lên UBND xã và báo với công an nhưng khi người của chính quyền và công an chưa ra đến nơi thì những chiếc tầu kia đã chạy mất, để lại những dòng nước còn đang sủi tăm. Có người hỏi chúng tôi: "Phóng viên về có liên hệ qua chính quyền xã không?" Đáp: "Chúng tôi có liên hệ". Một người khác đứng cạnh đó nói xen vào: "Hèn nào những chiếc tầu kia khi nãy còn hút cát ầm ầm, bỗng nhiên thu vòi chạy hết, lần nào cũng thế, khi có đoàn nào về các chủ tầu đều biết trước và chạy hết". Không hiểu đây là sự tình cờ, trùng hợp ngẫu nhiên hay các chủ tầu có sự ngầm báo nào mà thấy khúc sông này yên lặng thế?
Ngậm ngùi đứng nhìn dòng nước chảy siết, ông Phạm Văn Thạnh, xóm 13 thôn An Lạng bày tỏ: Những năm trước chúng tôi còn gieo trồng được vài vụ/năm tại bãi này, nhưng đã 3 năm trở lại đây thì không ai dám đầu tư vào bãi này nữa, vì ai cũng sợ nguy cơ bị mất trắng, chẳng biết khúc đê này bị sụt lúc nào".
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Đức Thọ, Trưởng Công an xã Văn Lý cho biết: Những chiếc tầu hút cát này hoàn toàn không được cấp phép, họ hoạt động cũng chẳng theo quy luật nào cả, có hôm hút cả ngày lẫn đêm, có hôm lại không hút". Ông Thọ cũng cung cấp cho chúng tôi khá rõ ràng về tên, nơi thường trú của các chủ tầu và khẳng định rằng các chủ tầu này đã nhiều lần bị Công an xã An Lão bắt và xử lý, trong đó có 2 chủ tầu là người của xã Hợp Lý (Lý Nhân), 1 người xã Tràng An, 1 người xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục). Tuy nhiên, hình thức xử lý các chủ tầu này mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, khác nào "châu chấu đá voi". Bởi theo ông Thọ, thường thì mỗi tầu có thể hút được từ vài chục đến hơn 100 mét khối. Nếu hoạt động hết công suất thì số tiền mỗi ngày chủ tầu thu về là một con số không nhỏ. Ông Thọ còn cho biết, lần gần đây nhất bắt được và xử lý tầu khai thác cát trái phép là vào tháng 4/2011, từ đó đến nay không bắt được tầu nào cả.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lý cho biết: Nhiều lần UBND xã đã đề nghị sự vào cuộc của chính quyền UBND huyện, ngành công an... nhưng khi công an huyện chưa xuống đến nơi thì các tầu kia đều đã đi hết, hoặc cập vào bến sông bên kia thuộc địa phận xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Nhưng có điều thật lạ, tại sao chính quyền và ngành chức năng đã nắm rõ được lý lịch chủ tầu cũng như các phương tiện tham gia hút cát mà không xử lý được triệt để việc này? Thiết nghĩ, UBND huyện Lý Nhân cần có những biện pháp tích cực hơn trong việc phối hợp với UBND huyện Duy Tiên và các ngành chức năng sớm giải quyết vấn đề bức xúc trên, trả lại sự bình yên cho người dân xóm 13, thôn An Lạng.
Đức - Phương