In bài viết

Hà Nội: Cảnh báo vi phạm an toàn đê điều

(Chinhphu.vn) - Từ năm 2008 đến nay, thành phố còn trên 1.000 vụ vi phạm Luật Đê điều chưa được xử lý. Tại thời điểm này, nhiều vụ vi phạm có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn đê điều vẫn diễn ra.

14/06/2013 14:49

Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ 2013. Ảnh: VGP/Phương Liên.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những nhiệm vụ trong phòng, chống lụt bão năm 2013, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội cho biết, dự báo mùa mưa bão năm 2013 có biểu hiện bất thường, có thể xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Vì vậy, sự an toàn của đê điều, hồ đập thủy lợi và cho người dân cần được đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo PCLB TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, hạt quản lý đê thực hiện công tác rà soát hiện trạng đê điều.

Trên cơ sở đó xây dựng các phương án nhằm đảm bảo an toàn tuyến, xác định phương án cho 4 tuyến trọng điểm gồm: cống Liên Mạc trên đê hữu Hồng huyện Từ Liêm; Cụm công trình cống qua đê Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai; Kè Thanh Am - Tình Quang đê hữu Đuống quận Long Biên; Khu vực đê, cầu cống Xuân Canh - Long Tửu đê tả Đuống, huyện Đông Anh.

Đến thời điểm này, hệ thống đê điều Hà Nội đảm bảo chống lũ thiết kế và vượt mức thiết kế. Tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra úng ngập ở nội thành và ngoại thành.

Trên các tuyến đê đều có các kho, điểm dự trữ vật tư  sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra. khoảng 6.300 người ứng trực thuộc lực lượng PCLB trên toàn thành phố, sẵn sàng tại các vị trí trọng điểm, xung yếu. Ban Chỉ đạo cũng phân công rõ nhân sự tại từng quận, huyện, từng tuyến đê.

Còn nhiều vi phạm về an toàn đê điều

Theo thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, từ năm 2008 đến nay, thành phố còn trên 1.000 vụ vi phạm Luật Đê điều chưa được xử lý. Tại thời điểm này, nhiều vụ vi phạm có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn đê điều vẫn diễn ra. Đặc biệt là tình trạng hút cát ngày đêm với khối lượng lớn trên địa bàn huyện Thường Tín; đổ phế thải lên mái đê địa bàn các phường Phú Thượng, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Yên Phụ (Tây Hồ)... số người dân còn tự ý dùng san gạt mái đê đổ bê tông làm dốc lên xuống đê hữu Hồng tại thôn Đại Gia, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên.

Điều đáng lo ngại là qua kiểm tra 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng chỉ có 17/200 bãi được cấp phép, chiếm 8,5%. Bên cạnh đó, nạn "cát tặc" đang hoành hành dữ dội dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu (địa phận Hà Nội) ngày càng phức tạp. Theo thống kê có tới 13/18 khu vực khai thác không phép và sai phép.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, ngoài thực hiện các giải pháp thường xuyên, thành phố sẽ thành lập đoàn công tác làm việc với một số tỉnh liên quan để phối hợp ngăn chặn, xử lý tình trạng hút cát trái phép trên một số tuyến sông; thành lập các tổ công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác cát không phép; kiên quyết giải tỏa các bến bãi kinh doanh vật liệu cản trở thoát lũ và các hành vi vi phạm khác.

Ông Thịnh cũng đề nghị thành phố xây dựng Quy hoạch bến bãi khai thác, bốc xếp, trung chuyển vật liệu trên các tuyến sông; UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương nghiên cứu tham mưu đề xuất thành lập khu vực tạm giữ tàu, thuyền, phương tiện hút cát trái phép trên sông để xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất biện pháp ngăn chặn xe quá tải trọng lưu thông trên các tuyến đê kết hợp giao thông...

Phương Liên