In bài viết

Hà Nội có 42 tòa chung cư cũ sắp đổ

(Chinhphu.vn) - 42 tòa chung cư cũ ở Hà Nội sắp đổ, số người mắc sốt xuất huyết ở Tây Nguyên tăng 20 lần, nghiên cứu dự án đường sắt Vũng Áng-Vientiane… là các thông tin xã hội đáng chú ý ngày 22/2.

22/02/2016 16:47
Mặt tiền nhà G6A, tập thể Thành Công. Ảnh: Báo Dân trí.
Hà Nội có 42 tòa chung cư
cũ sắp đổ

Theo kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP. Hà Nội, có 1 tòa nhà mức độ nguy hiểm ở cấp độ B, 39 tòa nhà ở cấp độ C và 2 tòa nhà ở cấp độ D.

Trong đó, 2 tòa nhà nguy hiểm ở cấp độ D đều thuộc quận Ba Đình. Cụ thể, tòa nhà G6A Thành Công (nhà xây gạch cao 5 tầng) gồm 3 đơn nguyên, thì đơn nguyên 1 và 2 cấp độ nguy hiểm loại D, đơn nguyên 3 cấp độ C.

Tòa nhà A Ngọc Khánh (nhà lắp ghép tấm lớn cao 5 tầng) có 2 đơn nguyên, trong đó cấp độ nguy hiểm của đơn nguyên 1 là loại D, đơn nguyên 2 loại C.

Ngoài ra, quận Ba Đình còn có 10 chung cư có mức độ nguy hiểm cấp độ C, như chung cư G6A, G6B Thành Công; A1, A2 Giảng Võ; B1, B2.1, B2.2 Ngọc Khánh; tập thể 66 Cửa Bắc; nhà A số 218C Đội Cấn và nhà A7 tập thể đường sắt.

Trong số 39 chung cư nguy hiểm cấp độ C, quận Hoàn Kiếm có 1 chung cư là tòa 121 Lê Duẩn (112 Trần Hưng Đạo), gồm 2 đơn nguyên xây gạch cao 3 tầng.

Quận Đống Đa có 1 chung cư nguy hiểm cấp độ B là chung cư K2 Hào Nam. 10 chung cư còn lại thuộc loại nguy hiểm cấp độ C gồm A1 Khương Thượng; A6, A7 và A8, B6 và B7, C3, C5, E1 và E3, E4 Vĩnh Hồ; 12 Hào Nam; 5B Tây Sơn-tập thể Đại học Công Đoàn,  

15 chung cư nguy hiểm cấp độ C còn lại có 11 chung cư thuộc quận Thanh Xuân và 4 chung cư thuộc huyện Đông Anh.

Đó là A1 Thanh Xuân Bắc, F4 Thanh Xuân Trung; F1, F2 và F5 tập thể Xà phòng; F4, F11 tập thể Cao su Sao Vàng; A3 tập thể Cơ khí Hà Nội; Nhà A, C và D tập thể Thuốc lá Thăng Long.

Nhà A1, A2, A3, A4 tập thể Nguyên Khê (huyện Đông Anh).

Số người mắc sốt xuất huyết ở Tây Nguyên tăng 20 lần

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, từ đầu năm 2016 đến nay, nhất là sau Tết Nguyên đán, bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát ở Tây Nguyên.

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có gần 900 trường hợp mắc SXH, tăng trên 20 lần so với cùng thời gian này năm ngoái, trong đó, số người mắc tập trung nhiều nhất là ở tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến bệnh SXH tăng cao là do thời tiết biến đổi bất thường, khí hậu thích hợp cho muỗi mang mầm bệnh SXH phát triển.

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiến nghị các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng khoanh vùng ở những khu dân cư có nhiều trường hợp mắc bệnh để phun thuốc diệt trừ muỗi nhằm hạn chế tình trạng lây lan.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc làm vệ sinh ở các khu dân cư, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom phế liệu… để muỗi không có nơi trú ngụ, sinh sản.

Các tỉnh cũng khuyến cáo đồng bào các dân tộc mặc áo quần dài tay cho trẻ em, khi ngủ phải mắc màn cẩn thận... Khi có biểu hiện sốt, vận động đồng bào các dân tộc đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời, không được tự ý mua thuốc hoặc mời thầy mo về cúng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nghiên cứu dự án đường sắt Vũng Áng-Vientiane

Thực hiện theo nội dung biên bản đã được ký kết từ đầu tháng 10/2015 giữa Bộ GTVT và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), về hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi cho đường sắt nối từ Vũng Áng (Việt Nam) đến Thủ đô Vientiane (Lào), Bộ GTVT đã đi đến thống nhất triển khai dự án nghiên cứu khả thi tuyến đường trong thời gian 2 năm (từ tháng 12/2015 tới tháng 12/2017).

Kế hoạch nghiên cứu sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là việc khởi động và khảo sát dự án với thời gian 6 tháng. Giai đoạn 2 sẽ nghiên cứu khả thi trong thời gian 1 năm và giai đoạn 3 kết thúc nghiên cứu với thời gian 6 tháng.

Trong thời gian triển khai nghiên cứu, phía Hàn Quốc sẽ tổ chức 2 khóa đào tạo (1 khóa đào tạo cán bộ quản lý vào tháng 6/2016 và 1 khóa đào tạo dành cho kỹ sư vào tháng 3/2017). Bộ GTVT cũng sẽ giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt là đầu mối phía Việt Nam, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong nước làm việc với phía Hàn Quốc.

Tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane có tổng chiều dài khoảng 550 km. Phần trên lãnh thổ Việt Nam đoạn từ Vũng Áng đến cửa khẩu Việt-Lào có chiều dài 119 km. Đây là nhánh phía đông của tuyến đường sắt Singapore-Côn Minh là tuyến kết nối quan trọng trong ASEAN cũng như tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Dự án đã được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đồng ý hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi.

Anh Kiên (tổng hợp)