Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 8 đến15/9, Hà Nội ghi nhận 2.010 ca mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca), Thanh Oai (119 ca), Thanh Trì (104 ca).
Riêng tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày BV đang tiếp nhận khoảng 20 ca mắc sốt xuất huyết. BV đang điều trị khoảng 80-100 ca bệnh, trong đó đa số là bệnh nhân nặng hoặc có bệnh nền
Tích luỹ từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gần 4 lần, số ca tử vong tương đương.
Trên cả nước, thống kê tuần 36/2023, ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Hòa Bình. So với tuần trước, số mắc tăng 0,5%, trong đó, số nhập viện là 3.891 ca.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc, 23 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (203.709/107) số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, Thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, thời gian vừa rồi, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các sở y tế quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị trong phòng, chống dịch, đặc biệt là hóa chất và máy phun hóa chất để triển khai xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Theo WHO, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền, nhất là thời gian tới - cao điểm của mùa mưa.
Hiền Minh