In bài viết

Kỷ niệm 50 Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972': Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại

(Chinhphu.vn) - 50 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

09/12/2022 15:49
'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972': Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 9/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại. 

Đây là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 50 Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (tháng 12/1972- tháng 12/2022), do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Âm hưởng hào hùng vẫn luôn vang vọng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo nêu rõ: Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc nhằm giành thắng lợi áp đảo về quân sự, làm xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán tại Paris có lợi cho Mỹ.

Tuy nhiên, với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18- 29/12/1972), quân và dân miền Bắc đã tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng, đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, góp phần tạo bước ngoặt quyết định và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972': Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh 2.

Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Thượng tướng Lê Huy Vịnh nêu rõ 50 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trong đó nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. 

Tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý báu đúc rút từ Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, bị giáng những đòn nặng nề trong cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam và thất bại trong Chiến dịch Linebacker đánh phá quy mô lớn miền Bắc (từ đầu tháng 4/1972 đến cuối tháng 10/1972), chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. 

Để cứu vãn tình thế, đồng thời, tạo áp lực buộc ta phải ký kết Hiệp định Paris với những điều kiện có lợi cho Mỹ, Tổng thống R.Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12/1972 mang mật danh Linebacker II. 

Chính quyền Mỹ đã huy động gần 50% số máy bay chiến lược B-52 mà Mỹ có cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật tập trung đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã, mục tiêu quan trọng ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng.

"Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc trong toàn bộ thời kỳ từ 1969-1971", Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các lực lượng tham gia chiến dịch, nòng cốt là bộ đội phòng không, không quân đã có sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, tập trung cao nhất nỗ lực bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn. 

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân và dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "Thắng lợi vẻ vang đó làm rạng rỡ trang sử đấu tranh hào hùng bất khuất của quân và dân Thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng nói riêng, quân và dân cả nước nói chung". 

Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng 1972 là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời, mang dấu ấn thời đại sâu sắc, thể hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên thế giới cổ vũ, khâm phục.

'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972': Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh 4.

Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh: Chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Sáng tạo độc đáo của nghệ thuật chiến dịch phòng không Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh "pháo đài bay B-52" - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. 

Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX: "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Chiến công trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc; là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: "Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 130 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, TP. Hà Nội, một số địa phương, cơ quan, đơn vị và các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội. 

Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, trong đó nhiều tham luận đã luận giải và khẳng định tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong số gần 700 đại biểu dự Hội thảo, có hơn 20 đại biểu là nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm và lập nên chiến công vang dội. 

'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972': Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại - Ảnh 5.

Các nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia chiến dịch phòng không 12 ngày đêm và lập nên chiến công vang dội - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Trình bày tham luận tại Hội thảo với tựa đề: "Hành trình tên lửa phòng không vào Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, hồi tưởng: "Cuối tháng 10/1972, trong hội nghị rút kinh nghiệm của bộ đội tên lửa được tổ chức tại Sư đoàn Phòng không 361, gồm kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng tên lửa, các trợ lý chủ chốt quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, các kíp chiến đấu thảo luận, tranh luận theo đề dẫn của cơ quan tham mưu Quân chủng rất sôi nổi, tâm huyết, có quyết tâm cao. Họ mang cả những tâm tư, tình cảm, những vướng mắc từ lâu để cùng nhau chia sẻ, giải quyết cách đánh B-52. Để rồi, trong chiến dịch, bộ đội tên lửa đã đánh 192 trận, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 máy bay B-52 (chiếm 85,3% số máy bay B-52 bị tiêu diệt trong chiến dịch)".

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các đại biểu đã luận giải, nêu bật nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch phòng không, thể hiện bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và sức mạnh Việt Nam; phân tích làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử, nhất là những vấn đề mới đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Từ những phân tích trên, hội thảo khẳng định: Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" đã giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề. Đây là đòn đánh quyết định buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ thắng lợi lịch sử này, nhiều bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, xây dựng thế trận, tổ chức lực lượng, về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến dịch phòng không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... được đúc kết có giá trị lịch sử, hiện thực sâu sắc, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Nhật Nam