Theo UBND thành phố Hà Nội, việc làm này nhằm nâng cao tính chủ động của nhân dân trong việc ứng phó với việc đưa lũ sông Hồng vào sông Đáy theo Nghị định số 04/2011/ND-CP của Chính phủ về thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng; đồng thời cũng kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm khả năng vận hành các công trình chống lũ của hệ thống phân lũ sông Đáy, giải tỏa những vật cản trên sông, tạo điều kiện để khôi phục và làm “sống lại” sông Đáy.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thường trực phòng, chống lụt bão từ ngày 5/5 đến 30/11; kiểm tra thường xuyên trên các tuyến đê, hồ, đập, kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các hư hỏng của hệ thống đê, hồ, đập... Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội, mặc dù mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu song trong 2 ngày 5 và 6/5, Hà Nội đã có mưa rào và dông, có nơi như tại huyện Thạch Thất lượng mưa đo được lên tới 174mm. Ngoài ra, mưa kèm lốc xoáy đã làm tốc mái, hư hại một số hạng mục của hơn 60 ngôi nhà, trong đó 1 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hư hại hơn 70 ha lúa, cây ăn quả, đổ 20 cột điện, cột viễn thông... tại xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Thống kê ban đầu, thiệt hại do vụ lốc xoáy này gây ra khoảng hơn 4 tỷ đồng.
Thanh Trà