In bài viết

Hà Nội: Kiểm tra chặt chẽ PCCC các chung cư

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm tra toàn bộ hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư trước khi đưa dân vào ở.

10/07/2018 16:55
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Gia Huy

Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến Thành ủy-HĐND-UBND TP. Hà Nội quý II/2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh về các nội dung trong buổi giao ban bao gồm: Cung cấp nước sạch, PCCC, các dự án trọng điểm là các vấn đề thiết thực, quan trọng, tồn tại nhiều bức xúc ảnh hưởng đến công tác dân sinh.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PC&CC cho biết, tính từ cuối tháng 12 năm trước đến giữa tháng 5/2018, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 411 vụ cháy (giảm 36 vụ so với cùng kỳ), trong đó 2 vụ cháy lớn; 7 vụ cháy nghiêm trọng... làm 4 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng.

Theo ông Định, trên địa bàn Hà Nội hiện có 44.141 cơ sở (tăng 855 cơ sở so với năm 2017), trong đó có 8.234 cơ sở nguy hiểm về cháy nổ.

Còn Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Thành phố thẳng thắn nhận định, tình trạng cháy nổ trên địa bàn đang rất nguy hiểm.

Nêu ý kiến về giải pháp, ông Đoàn Duy Khương cho rằng, với tòa nhà chưa đáp ứng PCCC nên cắt điện, cắt nước và thông báo bởi nếu không có giải pháp dứt khoát, cứng rắn thì thảm họa của PCCC là nhãn tiền. Ngoài ra, về PCCC tại chỗ, dù lực lượng cơ sở được coi trọng nhưng rất yếu, thậm chí lóng ngóng không biết sử dụng bình chữa cháy nên cũng cần phải tập trung bồi dưỡng, đào tạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng tuy Thành phố đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn trên 400 vụ cháy xảy ra trong 6 tháng, trên 800 cơ sở có nguy cơ cháy nổ, trên 500 nghìn nhà liền kề dạng ống, trong đó có trên 120 nghìn nhà ống kết hợp kinh doanh mặt tiền, chuồng cọp...  

"Công tác PCCC tuy có chuyển biến bước đầu nhưng nguy cơ còn rất lớn, nếu không nghiêm túc, không có trách nhiệm thì không bao giờ khắc phục được hết", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải xác định mỗi vụ cháy xảy ra đều liên quan đến công tác quản lý bởi vẫn còn trên 800 vụ cháy một năm, chưa có chiều hướng giảm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng công tác PCCC ở hộ gia đình chưa được quan râm đúng mức, công tác thực hiện phương châm 4 tại chỗ có nơi còn chưa làm tốt; kiểm tra xử lý vi phạm còn chưa nghiêm; những nơi tập trung đông người, nơi vui chơi công tác PCCC còn sơ sài...

Vì vậy, các cấp ủy chính quyền, mỗi cấp lãnh đạo, đảng viên cần tiếp tục quan tâm công tác PCCC, coi đây là trách nhiệm quan trọng nhất của mình.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về kiến thức, pháp luật về PCCC cho người dân; thực hiện tốt hơn nữa phương châm 4 tại chỗ; xây dựng lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ; củng cố đội PCCC cơ sở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải hướng dẫn từng hộ gia đình xây dựng phương án PCCC của chính gia đình. Các khu vui chơi đông người cũng phải có phương án PCCC và phải phổ biến cho người dân tham gia phương án thoát hiểm.

Đối với việc cung cấp nước sạch trên địa bàn mục tiêu đến năm 2020 có 100% người dân được sử dụng nước sạch, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh đây là mục tiêu cao nhưng phải phấn đấu cho bằng được bởi nước sạch liên quan đến sức khỏe người dân. Vì vậy, cần rà soát các dự án, thực hiện giao ban thường xuyên để đúng tiến độ, phấn đấu ko chỉ có nước sạch mà đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch quốc tế.

Cũng tại hội nghị, cung cấp thêm thông tin về nước sạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố đã và đang tổ chức thí điểm nhiều mô hình cung cấp nước sạch, kêu gọi được 23 chủ đầu tư thực hiện 34 dự án. Từ thực tiễn xây dựng hệ thống cung cấp nuớc tại 3 huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên cho thấy, cần phải chọn chủ đầu tư có năng lực; công tác triển khai phải được cập nhật tiến độ. Các địa phương cũng cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ; các địa phương cần tuyên truyền cho người dân tham gia sử dụng nước, phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền trong lắp đặt công tơ nước.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, sắp tới, Thành phố sẽ chỉ đạo làm sạch đường ống cũ đã sử dụng nhiều năm; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế cấp tiêu chuẩn nước sạch của Thành phố theo tiêu chuẩn Châu Âu, uống nước tại vòi...

Gia Huy