![]() |
Ngành chăn nuôi TP. Hà Nội nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết hiện Thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước với đàn gia cầm khoảng 38 triệu con, đàn lợn 1,57 triệu con, đàn trâu bò 164.000 con. Đặc biệt về chất lượng đàn gia súc, gia cầm được cải thiện đáng kể mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên ngành chăn nuôi của Thành phố cũng đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn do dịch COVID-19.
Đó là giá cả thị trường có quá nhiều biến động, việc vận chuyển, lưu thông, dự trữ thức ăn chăn nuôi có nơi có lúc phải ngừng trệ. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn ở các vùng bị cách ly do COVID-19 thì chi phí vận chuyển thức ăn chăn nuôi tăng vọt, làm người chăn nuôi rơi vào thế bị động…
Hà Nội là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng do dịch bệnh khiến việc mua bán gia súc, gia cầm giữa Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại gặp khó khăn, làm lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứt gãy trong việc đầu tư chăn nuôi, giết mổ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở chế biến nhất là các sản phẩm chế biến sâu như: Giò, chả, xúc xích… không tiêu thụ được sản phẩm. Cũng từ đây, tâm lý của những người xây dựng chuỗi liên kết bị ảnh hưởng trực tiếp do phải đầu tư lớn trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm gặp quá nhiều khó khăn, giá bán lại hạ.
Để chủ ứng phó và khắc phục khó khăn, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có phương án, giải pháp cụ thể trong phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, ngành tiếp tục tuyên truyền để người dân làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó bảo đảm việc lưu thông sản phẩm chăn nuôi.
Nhằm tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn, xóm để xử lý ngay các ổ dịch nhỏ lẻ phát sinh không, để bùng phát thành dịch lớn.
Tạo điều kiện tốt nhất để các chuỗi liên kết hoạt động, đặc biệt với 40 chuỗi đã và đang hoạt động trong thời gian qua (điển hình như chuỗi thịt lợn của HTX Hoàng Long, Quốc Oai; chuỗi gà Tiên Viên; gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì; gà Mía Sơn Tây …). Đưa các chuỗi này tiêu thụ sản phẩm cho các nhà hàng được phép tiêu thụ. Khi dịch bệnh ổn dịnh các hoạt động được trở lại ổn dịch, các chuỗi liên kết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ cho các khu du lịch, các trường học, nhà hàng khách sạn. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để lượng hàng tiêu thụ được lớn và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện tốt nhất để gia súc, gia cầm vận chuyển về thành phố và ngược lại. Cùng với đó là đề xuất các chính sách cho phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tiễn sản xuất khi phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn về phát triển chăn nôi và tiêu thụ sản phẩm.
Thiện Tâm