Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của khu vực |
Giai đoạn 2006-2010, thành phố Hà Nội đã được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, sự phối hợp, liên kết, hợp tác của bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn. Kinh tế Thủ đô vẫn tăng trưởng. An sinh xã hội, các gia đình chính sách, người nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của Thủ đô được đặc biệt quan tâm. Sự nghiệp phát triển giáo dục, văn hóa, y tế tiếp tục đạt hiệu quả. Các công trình trọng điểm, công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long được tập trung chỉ đạo, cùng với đó là việc tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xử lý môi trường được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, phải kể đến tác động của việc đổi mới sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy và chính quyền thành phố theo hướng vừa quan tâm phát triển bền vững, toàn diện đồng thời xác định đúng trọng tâm trọng điểm.
Dự kiến tăng trưởng GDP của thành phố giai đoạn 2006-2010 đạt bình quân 10,72%/năm. Tuy mức tăng trưởng này chưa đạt mục tiêu kế hoạch mà BCH Đảng bộ TP khóa XIV đề ra là 12-13%, nhưng đây là mức tăng trưởng khá, ghi nhận nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, nhân dân Thủ đô trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng bình quân của các lĩnh vực như sau: Dịch vụ tăng 10,35%, Công nghiệp - Xây dựng tăng 12,77%, Nông nghiệp tăng 2,43%.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành của thành phố sau khi đánh giá kết quả đạt được trong 5 năm qua đều thống nhất mục tiêu tổng quát của thành phố từ nay đến năm 2015 là không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của Thủ đô với các địa phương trong nước và quốc tế, thực hiện vai trò “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền tảng vật chất - kỹ thuật và văn hóa của Thủ đô XHCN giàu đẹp, văn minh, hiện đại gắn với phát triển kinh tế trí thức. Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực và truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô. Phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch đồng bộ, văn minh, hiện đại. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đảm bảo năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao gắn với đô thị sinh thái, hài hòa, bền vững với môi trường. Phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, đại diện các sở, ban, ngành đều thống nhất chỉ tiêu cụ thể tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2011-2015 của thành phố phấn đấu là từ 12-13%, trong đó: dịch vụ là: 12,2-13,5%; công nghiệp – xây dựng: 13-13,7%; nông nghiệp: 1,5-2%.
Để đạt được các mục tiêu tổng quát trên, sau khi thảo luận, các đại biểu đều thống nhất Hà Nội cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng Hà Nội thành trung tâm giao lưu và phân phối hàng hóa, trung tâm dịch vụ hạ tầng xã hội, đầu mối xuất nhập khẩu sản phẩm; là cực tăng trưởng quan trọng nhất của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và quốc gia; là đầu mối giao thông chính, trung tâm nghiên cứu, dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, trung tâm văn hóa, du lịch của khu vực Đông Nam Á. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Phòng ngừa kết hợp với kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở cả thành thị và nông thôn. Tăng cường hiệu quả các dịch vụ xã hội cho người nghèo, các đối tượng yếu thế và đối tượng chính sách.
Nhiệm vụ tiếp theo là phát triển kinh tế trí thức, đi đầu trong đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, phát triển đô thị đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, nhất là hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, cấp, thoát nước. Thực hiện nghiêm công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, nông thôn. Tăng cường các giải pháp đảm bảo văn minh, mỹ quan đô thị.
Cùng với đó là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường. Chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tại. Phát triển khoa học - công nghệ theo hướng hiện đại trong các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và quản lý hành chính. Chú trọng việc hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ mới qua các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại quốc tế. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình cho rằng việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm vừa qua và chuẩn bị kế hoạch cho 5 năm tới như cuộc họp này là hết sức quan trọng. Việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của thành phố là 12-13% trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động như hiện nay là một thách thức vô cùng khó khăn và nếu không quyết tâm sẽ khó hoàn thành mục tiêu. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ban, ngành của thành phố cần nghiêm túc xem xét lại những thuận lợi, khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm vừa qua, qua đó rút ra những kinh nghiệm, bài học để từ đó có các phương án thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong 5 năm tiếp theo.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 của thành phố Hà Nội: (1). Tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2011-2015: 12-13%/năm; trong đó: - Dịch vụ: 12,2-13,5% - Công nghiệp – Xây dựng: 13-13,7% - Nông nghiệp: 1,5-2,0% (2). Cơ cấu kinh tế cuối năm 2015: - Dịch vụ: 54-55% - Công nghiệp – Xây dựng: 41-42% - Nông nghiệp: 3-4% (3). GDP bình quân/người cuối năm 2015: 81-86 triệu đồng (4). Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015: 1.400-1.500 nghìn tỷ đồng (tăng trung bình 17,5-18,5%/năm) (5). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 14-15% (6). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân xuống dưới 1,1% vào năm 2015 (7). Tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2015 dưới 5% (8). Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2015 là 100% (9). Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn dưới 11% (10). Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 88%; Làng văn hóa 65%; Tổ dân phố văn hóa 55%; Cơ quan, đơn vị văn hóa là 60%. (11). Tỷ lệ trưởng đạt chuẩn quốc gia năm 2015 là 50-55% (12). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 từ 55-60% (13). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 1,5-1,8%/năm (14). Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ phổ cập bậc THPT tương đương năm 2015 là 90% (15). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 40% trở lên (16). Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2015 là 28 m2/đầu người (17). Diện tích đất xanh đạt 7-8 m2/người (18). 100% số hộ dân cư được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh, trong đó 80% được sử dụng nước sạch (19). Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý trong nội thành là 100%, tại ngoại thành là 80%. |
Huy Hoàng