In bài viết

Hà Nội: Thực hiện quy hoạch và xây mới nghĩa trang

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, các nghĩa trang tập trung trên địa bàn Hà Nội như Mai Dịch, Văn Điển, Thanh Tước, Sài Đồng,Vĩnh Hằng (cũ), Yên Kỳ (cũ) và một số nghĩa trang khác thuộc địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây, nghĩa trang liệt sỹ Nhổn và Sài Đồng đã cạn quỹ đất phục vụ nhu cầu mai táng. Không những không đáp ứng được nhu cầu thời điểm hiện tại mà với tốc độ phát triển dân số trong tương lai, TP phải đối mặt với nhiều bất cập và bức xúc nếu như công tác thực hiện quy hoạch nghĩa trang không được đẩy mạnh và xây mới kịp thời.

16/11/2011 15:46

Cạn quỹ đất và buông lỏng quản lý

Nghĩa trang Văn Điển có diện tích 18ha tiếp nhận hung táng và quản lý 12 nghìn mộ và 15.500 bình tro cốt. Mới đây, nghĩa trang được đầu tư xây dựng thêm 4 đài hỏa táng gas thế hệ mới cộng với 2 đài hỏa táng cũ nâng tổng công suất hỏa táng tại nơi đây đạt 2.820 ca/tháng. Mặc dù vậy tháng 7/2010 TP đã phải chỉ đạo đóng cửa việc hung táng và chuyển sang mô hình nghĩa trang - công viên, phục vụ hỏa táng, lưu giữ bình tro. Hai nghĩa trang Yên Kỳ (36ha) và Mai Dịch (5,9ha) chỉ còn khả năng phục vụ ước tính đến năm 2015. Nghĩa trang Thanh Tước (7,4ha) không dùng để cải táng từ quý III/2009 và cải táng từ nghĩa trang Văn Điển đến hết năm nay…

Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, thực trạng nghĩa trang tại Hà Nội bất cập về tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Rất nhiều nghĩa trang nhân dân nằm xen kẽ giữa các điểm dân cư. Trong quá trình đô thị hóa, nhiều ngôi mộ được dồn vào một khu đất thấp trong khi hạ tầng đô thị như đường sá, mặt nền xây dựng được tôn cao tạo thành các điểm trũng không có hệ thống thoát nước mưa, không có hệ thống thu gom và xử lý nước thấm. Đặc điểm của các khu nghĩa trang này mang một không gian lộn xộn, hầu hết không có hệ thống giao thông nội bộ và thậm chí nhiều khu còn thiếu cả các công trình phụ trợ tối thiểu như tường rào, nhà linh, nhà quản trang, bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước… Theo KTS Nguyễn Như Khuê, Trung tâm nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) thì tại phần hiện trạng nghĩa trang trong nội dung quy hoạch chung, phần lớn các đồ án chỉ dừng ở mức nêu tên, vị trí, diện tích hiện có chứ không đề cập đến công nghệ táng cũng như thực tế công tác quản lý quy hoạch, xây dựng nghĩa trang.

Giãn nghĩa trang từ nội thành ra ngoại thành

Xác định việc đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung mới và mở rộng nghĩa trang hiện có là một vấn đề cấp bách, tháng 02/2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao cho Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội lập quy hoạch hệ thống nghĩa trang của Thủ đô đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP với tổng diện tích 3.344,47km2 và dân số năm 2008 khoảng 6,23 triệu người, dự kiến đến năm 2030 khoảng 9,137 triệu người và đến năm 2050 khoảng 10,733 triệu người. Việc quy hoạch nghĩa trang phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội phải đáp ứng nhu cầu táng trước mắt và lâu dài của nhân dân Thủ đô, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về văn minh, lịch sự, phù hợp với đạo lý, phong tục tập quán của dân tộc. Quy hoạch nghĩa trang phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết chủ trương của TP sẽ dần chuyển các nghĩa trang trong nội thành ra ngoài, quy hoạch các nghĩa trang lớn ở ngoại thành và thay đổi hình thức mai táng để giải quyết tình trạng quá tải. Trong một cuộc họp mới đây của lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở, ban, ngành về kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án nghĩa trang, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công ích này. Trong đó, 3 nghĩa trang tập trung thực hiện theo phương thức xã hội hóa gồm Yên Kỳ do Cty CP Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh làm chủ đầu tư, nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn) do Cty CP Đầu tư Hoa Sen vàng làm chủ đầu tư, nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì) do Cty CP Ao Vua làm chủ đầu tư. Ông Khôi cũng đôn đốc yêu cầu các sở, ban, ngành quan tâm giải quyết vấn đề mặt bằng và tạo điều kiện, cơ chế để các nghĩa trang hoàn thành phục vụ nhu cầu mai táng cấp bách của nhân dân.


Theo Báo Xây dựng điện tử