Chuỗi ngày đàm phán nới trần nợ công giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mc Carthy đã mang lại kết quả ban đầu, tạo tiền đề giúp Chính phủ thoát cảnh đóng cửa, vỡ nợ.
Với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công tới ngày 01/01 năm 2025. 71 Hạ nghị sỹ Cộng hòa và 46 Hạ nghị sỹ Dân chủ đã bỏ phiếu không ủng hộ dự luật.
Dự luật này sẽ phải được cả Thượng viện thông qua trước khi được trình lên Tổng thống Biden ký thành luật. Giới lãnh đạo Thượng viện cho biết họ muốn bỏ phiếu đối với dự luật này sớm nhất vào ngày 01/06 (theo giờ Mỹ) tuy nhiên điều này vẫn cần có sự đồng ý của cả 100 Thượng nghị sỹ của hai đảng.
Trong khi đó, ông Biden dự kiến sẽ nhận được dự luật này trước hạn chót là ngày 5/6, thời điểm chính phủ liên bang có thể hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình.
Ngày 5/6 là thời hạn được Bộ Tài chính Mỹ đặt ra để thanh toán các khoản vay của chính phủ liên bang. Trong trường hợp xấu nhất khi Mỹ vỡ nợ, nền tình kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị tác động ít nhiều.
Khi Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được đưa đến Thượng viện. Tại đây, dự luật trần nợ công có nguy cơ bị trì hoãn trừ khi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo Đảng Cộng hòa Mitch McConnell đồng ý xúc tiến nhanh dự luật.
Theo Reuters, Đảng Cộng hòa muốn ông Schumer cho phép bỏ phiếu sửa đổi để đổi lấy việc thông qua nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Schumer dường như đã bác bỏ khả năng này hôm 31/5, khi nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi không thể gửi bất cứ thứ gì trở lại Hạ viện, rõ ràng và đơn giản. Chúng tôi phải tránh vỡ nợ".
Bộ Tài chính đã cảnh báo rằng Washington sẽ không thể chi trả tất cả nghĩa vụ của chính phủ vào ngày 5/6, nếu Quốc hội không nâng trần nợ.
Cũng trong hôm đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội phi đảng phái cho biết dự luật mới sẽ giúp Chính phủ Mỹ tiết kiệm 1.500 tỉ USD trong một thập kỷ tới.
Cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần, đặc biệt nếu bất kỳ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố gắng trì hoãn việc thông qua.