In bài viết

Hai đề bài cho giáo dục đại học trong nước

(Chinhphu.vn) - Dự Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sáng 15/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giáo dục ĐH cần giải quyết 2 vấn đề lớn là: Xác định hệ thống giáo dục sau bậc phổ thông gắn với phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ và lộ trình tự chủ, tiến tới hạch toán như DN.

15/08/2014 16:58
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khi chúng ta có hệ thống giáo dục ĐH, CĐ rõ ràng, ai nhìn cũng hiểu, tương thích với thế giới, có tổ chức độc lập tin cậy đánh giá từng trường là tham số rất tốt để học sinh, phụ huynh định hướng. Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét so với hệ thống ở bậc phổ thông thì hệ thống ở bậc CĐ, ĐH hiện nay rắc rối “như một ma trận”.

Khắc phục cho được "rắc rối" của hệ thống giáo dục sau bậc phổ thông 

"Tôi đã được xem một vài mô hình về hệ thống giáo dục ĐH, CĐ do các đồng chí trong ngành cung cấp, có hình vuông, hình thoi, hình tròn và các mũi tên đánh chung, đánh chéo với nhau rất lằng nhằng”, Phó Thủ tướng nêu nhận xét.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong hệ thống giáo dục ĐH, CĐ cần xác định bậc Trung cấp ở đâu, bậc CĐ như thế nào khi có tình trạng ngay ở bậc CĐ có đến 3 loại trường (CĐ nói chung, CĐ nghề, CĐ cộng đồng) rồi đến ĐH. Tiếp đó là thực hiện phân tầng ĐH theo Luật Giáo dục ĐH theo ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, ĐH thực hành, rồi đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ...

Song song với việc làm rõ hệ thống giáo dục ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đẩy nhanh việc xếp hạng, kiểm định các trường ĐH, CĐ.

"Luật Giáo dục ĐH quy định là Nhà nước công nhận xếp hạng các trường ĐH nhưng có phải Nhà nước có chuẩn bị để kiểm định phục vụ cho xếp hạng hay không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng “đây là vai trò của hiệp hội các trường ĐH, CĐ, của tổ chức độc lập. Bộ GDĐT không nên trực tiếp làm.

"Sau này chúng ta có hệ thống giáo dục ĐH, CĐ rõ ràng ai nhìn cũng hiểu, rồi có tổ chức độc lập tin cậy đánh giá, xếp hạng từng trường thì sẽ là tham số rất tốt để học sinh, phụ huynh định hướng", Phó Thủ tướng nói.

Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, ngày 15/8 (đầu cầu Hà Nội). Ảnh: VGP/Đình Nam

Tự chủ ĐH: Vướng đâu gỡ đó

Nói về lộ trình tự chủ trong các trường ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải xem xét nghiêm túc chủ trương của Nhà nước khuyến khích đầu tư vào phát triển giáo dục, y tế và các dịch vụ công.

Phó Thủ tướng bắt đầu bằng câu chuyện cách đây 20 năm, chúng ta có 11.000 DN Nhà nước và để tạo điều kiện cho DN ngoài quốc doanh phát triển, nhiều luật đã được sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

“Nhưng cùng với việc sửa các luật, nghị định, chính sách để DN ngoài quốc doanh phát triển thì còn công đoạn quan trọng mà có lúc chúng ta gọi là đổi mới hay tái cơ cấu, sắp xếp lại DN Nhà nước để giảm từ 11.000 xuống còn dưới 1.000 DN”.

Tuy nhiên, giáo dục hay y tế là dịch vụ đặc biệt vì liên quan đến con người nên Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể đơn giản làm như DN là giải tán bớt đơn vị công để cho tư nhân phát triển, mà phải tính cơ chế quản lý để làm sao trường ĐH công lập hoạt động hiệu quả như một DN.

Theo Phó Thủ tướng, các trường ĐH công lập được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền của, đất đai, nhà cửa và công tác đào tạo giáo viên nên đây là lực lượng chính trong thực hiện tự chủ, không xin ngân sách và cũng không lâm vào cảnh “thừa mấy chục tỷ đồng trong tài khoản mà không tiêu được vì phải xin phép”.

Trước thực tế có tới 4 trường ĐH công lập xin tự chủ mà chưa được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GDĐT phải làm quyết liệt việc này, sớm trình Chính phủ xem xét giao quyền tự chủ cho các trường về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo, đi kèm với đó là mức học phí.

“Trên tinh thần trước mắt là động viên, tạo điều kiện cho những trường mạnh dạn, dũng cảm tham gia tự chủ tiến tới dần dần toàn hệ thống trường công phải tự chủ. Đây là điểm rất cốt tử của giáo dục ĐH, CĐ. Chúng ta phải làm, không thể cứ bao cấp, cứ mãi không rõ ràng như thế này được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, thực hiện tự chủ các trường ĐH cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sau khi Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện một thời gian, Chính phủ đang chỉ đạo gấp rút trong năm nay ban hành Nghị định mới về cơ chế hoạt động và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công (trong đó có giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, khoa học...) trên tinh thần khuyến khích và hướng tới buộc các cơ sở giáo dục công lập phải hạch toán rõ ràng, và hướng tới hạch toán nâng cao hiệu quả giống như DN.

Phó Thủ tướng nhắn nhủ lãnh đạo Bộ GDĐT cũng như Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ: “Chúng ta có rất nhiều văn bản, chỉ đạo, bây giờ phải "xông vào làm". Những thứ đã định ra, những vướng mắc như về trường công, trường tư, hệ thống, kiểm định, thì đề nghị chúng ta phải làm với tinh thần làm đến đâu gỡ đến đấy, không quá cầu toàn".

Đình Nam