In bài viết

Hải Dương: Không có việc lạm thu khi lắp đặt đồng hồ nước

(Chinhphu.vn) – Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp một số thắc mắc về quy định thu phí khi lắp đặt đấu nối đồng hồ nước tại xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

24/04/2014 08:02

Theo phản ánh của ông Tiến, hiện nay các hộ dân tại xã Phạm Kha được Công ty CP nước sạch và vệ sinh nông thôn (VSNT) Hải Dương triển khai lắp đặt hệ thống cung cấp nước sinh hoạt. Trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước có điều khoản Công ty sẽ đầu tư đồng bộ đến điểm lắp đặt đồng hồ đo nước.

Tuy nhiên, khi các hộ dân đăng ký thì lại được thông báo phải đóng số tiền là 1.350.000 đồng để mua đồng hồ đo nước và ống dẫn nước.

Theo tìm hiểu của ông Tiến, khi lắp đặt đồng hồ nước tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Công ty lại thực hiện thu theo số nhân khẩu.

Ông Tiến hỏi, việc thực hiện thu phí như vậy có đúng quy định không?

Công ty CP Nước sạch và VSNT Hải Dương trả lời thắc mắc của ông Tiến như sau:

Căn cứ thu tiền lắp đặt đồng hồ nước

Công ty CP Nước sạch và VSNT Hải Dương là đơn vị đang quản lý Nhà máy nước sạch Phạm Trấn, vận hành sản xuất cấp nước sạch cho nhân dân xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc.

Năm 2013, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện được UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống mạng đường ống truyền tải phân phối nước để đấu nối sử dụng nguồn nước sạch cấp từ Nhà máy nước sạch Phạm Trấn. Công trình mạng đường ống sau khi hoàn thành được giao cho Công ty CP Nước sạch và VSNT Hải Dương quản lý, cấp nước cho nhân dân xã Phạm Kha (huyện Thanh Miện).

Hệ thống mạng đường ống truyền tải, phân phối và dịch vụ cấp nước sạch xã Phạm Kha này được đầu tư xây dựng do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm Chủ đầu tư. Trung tâm đã tổ chức thực hiện đầu tư hoàn thành xây dựng công trình.

Công ty CP Nước sạch và VSNT tỉnh là đơn vị sản xuất kinh doanh bán nước sạch cho các hộ gia đình nông thôn. Tuy được tiếp nhận hệ thống mạng đường ống xã Phạm Kha, nhưng do điều kiện Công ty không có vốn để đầu tư phần việc lắp đặt đồng hồ nước từ hệ thống mạng đến từng hộ gia đình, nên việc lắp đặt đồng hồ đo nước, bán nước sạch cho các hộ dân xã Phạm Kha đã phải dựa vào nhu cầu và thoả thuận cam kết tự nguyện chi trả kinh phí lắp đặt đồng hồ đo nước của các hộ dân xã Phạm Kha.

Công ty đã tính toán và xác định chi phí cần thiết mỗi hộ phải chi trả cho lắp đặt đồng hồ đo nước trung bình là 1.350.000 đồng. Sau khi Công ty cùng UBND xã thông tin đến các hộ dân, từ tháng 1/2014 đến hết tháng 3/2014 Công ty đã nhận được đơn đăng ký sử dụng nước sạch và cam kết chi trả chi phí lắp đặt đồng hồ của 1.395 hộ/1.900 hộ dân của xã (đạt 73,4%).

Công ty đã tiến hành tổ chức lắp đặt và đến nay 1.395 hộ đã được sử dụng nước sạch.

Công ty khẳng định, đối với dự án cấp nước sạch cho nhân dân xã Phạm Kha, UBND tỉnh chỉ đầu tư xây dựng hệ thống mạng đường ống. Phần việc lắp đặt đồng hồ nước do các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch chi trả theo thỏa thuận với Công ty, không có việc lạm thu. Đồng thời, việc này là phù hợp với chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực của dân tham gia dự án cấp nước đã được quy định tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015.

Chi phí lắp đặt đồng hồ cho mỗi hộ dân xã Phạm Kha hiện nay là 1.350.000 đồng. Thời gian tới, chi phí lắp đặt có thể thay đổi (tăng hoặc giảm) nếu có biến động lớn của giá vật tư, nhân công. Công ty không tự xác định trước chi phí là 1.600.000 đến 1.700.000 đồng/1 hộ như thông tin ông Tiến đã nhận được.

Phương thức đóng góp thực hiện theo từng dự án cấp nước

Đối với phản ánh về sự khác nhau giữa việc thu phí tại xã Yết Kiêu và xã Phạm Kha, Công ty cho biết, Chương trình cấp nước cho khu vực nông thôn được thực hiện từ nhiều dự án, nguồn vốn khác nhau.

Hệ thống mạng đường ống xã Phạm Kha thực hiện theo nguồn vốn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia, còn xã Yết Kiêu là 1 trong 39 xã của tỉnh Hải Dương được thực hiện Dự án Cấp nước sạch và Vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới. Tại xã Yết Kiêu, người dân và chính quyền địa phương thống nhất cách thu theo đầu người.

Như vậy, Dự án nước sạch xã Phạm Kha và xã Yết Kiêu là hai dự án khác nhau, không cùng nguồn vốn và cơ chế tài chính, nên triển khai thực hiện huy động đóng góp cũng khác nhau.

Chinhphu.vn