Ngày 28/10, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2022 của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị Sở Công Thương khẩn trương tiếp thu ý kiến các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các ý kiến tại cuộc họp đều nhất trí về sự cấp thiết phải ban hành quy chế nhằm khắc phục bất cập trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Dự thảo có 5 chương, 24 điều. Theo đó, sẽ quy định việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp, quy định, quy chế, đề án, các chính sách liên quan đến cụm công nghiệp và chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ ô nhiễm trong làng nghề di dời vào cụm công nghiệp.
Việc thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với việc triển khai, thực hiện phát triển tổng thể ngành công nghiệp, thương mại của tỉnh và Đề án "Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Theo dự thảo, đối với các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, UBND cấp huyện quản lý quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; đề xuất điều chỉnh quy mô, diện tích và quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của các nhà đầu tư thứ cấp trong cụm công nghiệp.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã có cụm công nghiệp bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án trong cụm công nghiệp; kiểm tra các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm…
Sở Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh, thu hồi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định; phối hợp với UBND huyện thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn việc quản lý, thu phí hạ tầng kỹ thuật.
Cùng đó, Sở Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện và đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp không có chủ đầu tư; phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, quản lý các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định.
Sở Công Thương Hải Dương cũng đề xuất, đối với các cụm công nghiệp có thể mở rộng để thu hút nhà đầu tư, UBND cấp huyện phối hợp với Sở Công Thương, các sở ngành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND cấp huyện kêu gọi đầu tư, tham mưu cho tỉnh lựa chọn, giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ để góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với các mục tiêu: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người ≥ 5.000 USD, tỉ trọng nông – lâm - thủy sản trong GRDP ≤ 15%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP ≥ 35%; tỉ lệ lao động qua đào tạo ≥ 80%; tỉ lệ dân số thành thị ≥ 40%; chỉ số phát triển con người ≥ 0,75%...
Đề án cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, doanh nghiệp lắp ráp lớn để dẫn dắt phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, làm nền tảng bước đầu tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Hải Dương ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương, như: các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, rô bốt công nghiệp; các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị điều khiển; cảm biến các loại; các loại động cơ thế hệ mới…
NT