Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Hưng tiếp tục gửi đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm.
Về vấn đề này, UBND TP. Hải Dương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra và có ý kiến như sau:
Công trình nạo vét, mở rộng kênh T2 và xây dựng Trạm bơm Bình Lâu, TP. Hải Dương được Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đồng ý chủ trương đầu tư tại Thông báo số 387-TB/TU ngày 28/11/2016; UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 3865/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 với tổng mức đầu tư 71,9 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh và thành phố bao gồm:
- Xây dựng trạm bơm công suất 36.000m3/h;
- Nạo vét, mở rộng nút thắt cổ chai bằng cống hộp đôi 2 x (BxH) = 2 x (3,5x3,0)m.
Quy mô thiết kế của dự án tại thời điểm hiện nay là phù hợp với mục tiêu giải quyết ngập úng cho khoảng 500ha đất đô thị và cải thiện một phần ô nhiễm môi trường. Hiện nay nhà thầu thi công đang triển khai thi công hạng mục nạo vét bùn, kè ốp mái kênh T2.
Thực hiện chủ trương của dự án là Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước triển khai thi công các hạng mục hạ tầng và hỗ trợ tài sản vật kiến trúc trên đất; nhân dân thực hiện hiến đất để làm công trình, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Đến nay, 10/12 hộ dân đường Nhữ Đình Hiền, phường Tân Bình tự nguyện hiến đất đã nhận tiền hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất. Các hộ dân còn lại, Ban Giải phóng mặt bằng thành phố đang tích cực phối hợp với các đơn vị để kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt phương án hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Các phòng, ban, đơn vị của thành phố, UBND phường Tân Bình và khu dân cư đã tổ chức họp và nhiều lần vận động hộ gia đình ông Nguyễn Thế Hưng tại số 104 Nhữ Đình Hiền, phường Tân Bình ủng hộ thực hiện dự án. Tuy nhiên hộ gia đình ông Hưng chưa hợp tác. Vì vậy, tiến độ dự án cũng một phần bị ảnh hưởng.
Để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường, phải xây dựng hệ thống tách nước thải, không để nước thải chảy vào kênh T2.
Thành phố đã phối hợp cùng Tổ chức sáng kiến phát triển các thành phố châu Á nghiên cứu và đưa ra phương án thoát nước tổng thể và xử lý nước thải khu vực phía Tây thành phố (trong đó có kênh T2), chi phí xây dựng, nhà máy xử lý nước thải ước tính khoảng 750 tỷ đồng.
Để có nguồn vốn thực hiện, thành phố đã chủ động tiếp cận nguồn vốn vay ODA và tham mưu UBND tỉnh đề xuất dự án “Phát triển đô thị loại vừa - thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương” và đã gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.