Bà con tích cực cấy lúa chiêm xuân cho kịp thời vụ. Ảnh: VGP/Nhật Linh |
Từ ngày mai, 3/3, tỉnh Hải Dương, nơi dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất trong đợt này, bắt đầu thay đổi về tình hình giãn cách xã hội. Trong đó, TP. Hải Dương và 3 huyện, thị cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15; tám huyện còn lại thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tình hình mới, nhân dân toàn tỉnh bắt tay vừa khôi phục sản xuất vừa tiếp tục phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép.
Nỗ lực sản xuất không chờ hết dịch
Suốt một tháng qua (kể từ ngày 27/1), toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Hải Dương tích cực chống dịch, đến nay tình hình dịch đã được kiểm soát khi các “ổ dịch” ở Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn đã được “khóa chặt”.
Chính quyền địa phương đang rà soát, nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp hiện nay để có chính sách hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn về đầu ra nông sản cho nông dân.
Tính đến ngày 27/2, huyện Cẩm Giàng có 26/386 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (KCN) quay trở lại sản xuất sau thời gian tạm ngừng vì dịch COVID-19.
1.434 công nhân tại 26 nhà máy đều thường trú, tạm trú tại huyện Cẩm Giàng và đã đáp ứng yêu cầu về sức khỏe. Hiện nay, có 57 doanh nghiệp đã tổ chức xét nghiệm cho 1.899 công nhân lao động để nhanh chóng đưa sản xuất trở lại.
Các doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng xét nghiệm COVID-19 cho công nhân trước khi sản xuất trở lại. Ảnh: VGP/Nhật Linh |
Để được cấp phép hoạt động trở lại, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng chủ động xây dựng kế hoạch, sản xuất kinh doanh gắn với phòng chống dịch. Cơ sở sản xuất đều có biện pháp phòng chống dịch tại đơn vị theo quy định của Bộ Y tế.
Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương (phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn) vừa tích cực sản xuất vừa xây dựng các phương án phòng, chống dịch. Triển khai sản xuất từ đầu tháng 2, đến ngày 26/2, Công ty đã xây dựng xong khu nhà dã chiến với sức chứa 4.500 công nhân đề phòng trường hợp Công ty bị phong tỏa nếu có người mắc bệnh. Công ty cũng yêu cầu các đơn vị thầu sẵn sàng cung cấp đủ suất ăn cho 4.500 công nhân.
Trong sản xuất nông nghiệp, đến ngày 28/2, tất cả 11 huyện, thành phố đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa chiêm xuân với diện tích khoảng 50.000 ha. Riêng thị xã Kinh Môn gieo cấy được 50% diện tích lúa chiêm xuân. Trên khắp các cánh đồng, nông dân vẫn đang dồn sức để hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 5/3, bảo đảm lịch thời vụ.
Giữ vững tinh thần thực hiện mục tiêu kép
Xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) được xem là “thủ phủ” cà rốt của tỉnh Hải Dương. Năm nay thời tiết thuận nên năng suất tăng khoảng 20% so với năm trước, đạt 1,5 tấn/sào và giá bán trước Tết từ 9.000-11.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với vụ trước. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tiêu thụ gặp khó khăn.
Bắt đầu từ cuối tháng 2, nông sản của xã nhận được các tín hiệu tích cực khi các đơn đặt hàng từ Hàn Quốc tăng dần. Người nông dân được gỡ khó phần nào khi giá bán tăng khoảng 10% so với trước Tết. Dự kiến ngày 4/3, các doanh nghiệp sẽ đưa những chuyến hàng đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. Đây cũng là thời điểm huyện thay đổi giãn cách nên việc giao thương sẽ thuận lợi hơn. Người dân đang tích cực thu hoạch số cà rốt còn lại.
Ngày 28/1, xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) phát hiện một “ca F0”, UBND xã đã lập tức phong tỏa 594 hộ dân với 1776 nhân khẩu từ xóm 8 tới xóm 11 của thôn Kim Lôi. Đến ngày 22/2, các hộ dân ở đây được dỡ bỏ phong tỏa. Nhân dân trong thôn đã nhanh chóng ra đồng sản xuất để bảo đảm thời vụ của toàn xã.
Gia đình chị Nguyễn Thị Sáu là một trong những hộ dân đi cách ly tập trung ở thôn Kim Lôi. Các cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã đã sắp xếp công việc thu hoạch nông sản giúp chị Sáu và nhiều gia đình đang đi cách ly. Có những buổi tối vừa rời bếp ăn phục vụ khu cách ly tập trung, các đoàn viên thanh niên, hội viên các hội tổ chức hỗ trợ thu hoạch hành, tỏi và gieo cấy giúp hộ gia đình đang đi cách ly.
Hiện 300 ha hành, tỏi của xã đã được nhân dân thu hoạch xong và đang gieo cấy được 15% diện tích vụ lúa chiêm xuân.
Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã cho biết trong một tuần tới, xã sẽ hoàn thành việc gieo cấy và trồng rau. Bên cạnh đó, 60 ha trồng thanh long cũng đang vào thời kỳ chăm bón chờ tới tháng 6 thu hoạch.
Một số cơ sở kinh doanh của xã đang rục rịch chuẩn bị mở cửa trở lại. Xưởng cơ khí của anh Ngô Duy Phương ở thôn Kim Lôi những ngày này đang tất bật phục vụ nhu cầu mua các giàn đỡ treo hành, tỏi của bà con. Trước đây, khách hàng của anh chủ yếu ở Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian này anh tập trung chính vào nhu cầu của nhân dân trong xã và các xã lân cận để “lấy ngắn nuôi dài".
Người dân thu hoạch hành, tỏi để đưa ra thị trường. Ảnh: VGP/Nhật Linh |
Cùng với tăng gia sản xuất, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn được triển khai nghiêm túc. 21 Tổ COVID cộng đồng của phường Long Xuyên (thị xã Kinh Môn) thường xuyên rà soát tình hình sức khỏe của hàng trăm hộ dân nhằm đề cao cảnh giác…
“Có những bác cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi vẫn hăng hái tình nguyện tham gia các chốt trực và Tổ COVID cộng đồng không nhận thù lao. Các hội viên Hội Phụ nữ vừa tranh thủ công việc gia đình vừa tham gia công tác hậu cần. Tình cảm của nhân dân góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống dịch của địa phương”, ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND phường Long Xuyên chia sẻ.
Có thể nói đến nay Hải Dương đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong tình tình mới theo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành ngày 1/3.
Nhật Linh