Ông Lê Nam (An Giang) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống trong đấu thầu như sau: Công ty A có 2 thành viên, trong đó, ông E góp vốn 90% và làm người đại diện theo pháp luật, ông F góp vốn 10%. Công ty B có 2 thành viên, trong đó, ông G góp vốn 95% và làm người đại diện theo pháp luật, ông F góp vốn 5%.
Vậy, trường hợp Công ty B là nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu xây lắp và Công ty A là nhà thầu tham gia dự thầu thì có được xem là bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu không?
Ông Nam cũng muốn biết, trong hồ sơ dự thầu nhà thầu có nộp bảo đảm dự thầu nhưng không được người đại diện hợp pháp của ngân hàng ký tên (do cấp phó ký) thì có phải làm rõ không? Trong trường hợp có kèm theo văn bản ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của ngân hàng nhưng nội dung chỉ ủy quyền ký các hợp đồng tín dụng thì xử lý thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Điểm d, Khoản 4, Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định, nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.
Theo đó, trường hợp Công ty A và Công ty B đều là đơn vị được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì việc Công ty A (có 10% vốn góp của thành viên F) tham dự thầu gói thầu do Công ty B (có 5% vốn góp của thành viên F) là đơn vị tư vấn được coi là không vi phạm quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu nêu trên.
Quy định về bảo đảm dự thầu
Điểm d, Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định một trong những nội dung đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu là có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Theo đó, nếu người ký thư bảo lãnh dự thầu cho nhà thầu không phải là người đứng đầu tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu làm rõ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Trong trường hợp này, nếu nhà thầu cung cấp được tài liệu chứng minh trước thời điểm đóng thầu người ký thư bảo lãnh dự thầu cho nhà thầu có đủ thẩm quyền ký bảo lãnh dự thầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá đáp ứng về nội dung này.