In bài viết

Hải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024

(Chinhphu.vn) - Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 với 74,84 điểm. Đây là minh chứng thuyết phục cho những thành công của Hải Phòng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Các địa phương nhiều năm liền giữ vị trí cao như Quảng Ninh (73,20 điểm), Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm) tiếp tục nằm trong top đầu bảng xếp hạng.

06/05/2025 11:27

Hải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024- Ảnh 1.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2024 - Ảnh: VGP/HT

Ngày 6/5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, đồng thời đánh dấu 20 năm hành trình liên tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Môi trường kinh doanh được cải thiện

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Năm 2024, Báo cáo PCI cho thấy một bức tranh tích cực về cải thiện điều hành kinh tế cấp tỉnh. Điểm số trung vị đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ tám liên tiếp vượt mốc 60 điểm – ngưỡng được xem là phản ánh một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, Chỉ số PCI gốc – chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi – đạt 68,18 điểm, tiếp tục cải thiện liên tục kể từ năm 2016. Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu với 74,84 điểm, điểm đáng chú ý là các tỉnh nằm trong Top 10 như Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp và đặc biệt là Hưng Yên với lần đầu tiên có mặt trong Top 10.

Hải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024- Ảnh 2.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Lễ Công bố chỉ số PCI - Ảnh: VGP/HT

VCCI cũng công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải "tiếng nói" của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH); thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý đế đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh...

Kết quả PGI 2024: Hải Phòng giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng tổng thể nhờ thành tích vượt trội ở cả bốn chỉ số thành phần, với tổng điểm đạt 29. Xếp sau lần lượt là Vĩnh Long (28,16 điểm), Hà Nam (28,04 điểm), Bắc Ninh (27,78 điểm) và Bình Dương (27,64 điểm).

Từ kết quả trên, các chuyên gia khuyến nghị chính sách: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đưa đất nước đến một ngã rẽ quan trọng. Những thành tựu nổi bật trong việc đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình có thể bị đe dọa bởi các rủi ro môi trường và thiên tai ngày càng gia tăng. Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản trị đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức này, đồng thời duy trì sự cân đối hợp lý giữa việc duy trì sự thuận lợi, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và việc kiểm soát các hoạt động làm gia tăng ô nhiễm và biến đổi khí hậu, có nguy cơ cản trở phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn. Kết quả PGl năm nay cho thấy Việt Nam đang chuyển dịch tích cực theo xu hướng này.

Hải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024- Ảnh 3.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2024

 

PCI - từ sáng kiến nhỏ đến động lực cải cách lớn

Ông Phạm Tấn Công cho rằng: Đằng sau những con số trên là câu chuyện của sự chuyển mình, của nỗ lực và sáng tạo. Đó là hành trình mà PCI đã đồng hành cùng các địa phương để thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hành động vì sự phát triển bền vững và bao trùm.

PCI đã phát triển thành một hệ thống đánh giá toàn diện, khoa học và có sức lan tỏa sâu rộng, trở thành thước đo đáng tin cậy về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Hơn thế nữa, PCI đã góp phần trao quyền cho doanh nghiệp tư nhân nói lên tiếng nói của mình, không chỉ để phản ánh thực trạng mà còn để thúc đẩy cải cách, khuyến khích cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trên tinh thần cầu thị và đổi mới.

PCI không chỉ đơn thuần là một bảng xếp hạng. Đó là một cuộc đối thoại thường niên giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương, là nơi doanh nghiệp được nói lên tiếng nói thẳng thắn từ thực tiễn, là nơi chính quyền lắng nghe, và hành động. PCI đã đồng hành cùng rất nhiều mô hình cải cách từ chính quyền cấp tỉnh trong suốt thời gian qua như mô hình một cửa trong gia nhập thị trường, trung tâm hành chính công tập trung, cafe doanh nhân, mô hình đánh giá chính quyền cấp sở ngành, quận huyện DDCI… Những cải thiện đáng ghi nhận về gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức, chất lượng lao động, thủ tục hành chính… trong suốt 20 năm qua là minh chứng rõ nét cho sức sống và tác động tích cực của PCI.

Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Chúng ta đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi đầy khát vọng, khi Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và duy trì hai con số trong các năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, PCI không chỉ là một công cụ đo lường chất lượng điều hành, mà còn là nền tảng quan trọng của chương trình tăng trưởng kinh tế cao.

PCI đóng vai trò như một "radar chính sách", giúp phát hiện sớm những điểm nghẽn, những rào cản vô hình, từ đó kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn và công bằng. Đặc biệt, trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định về vai trò của kinh tế tư nhân cần trở thành "đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 - NQ/TW ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân thì PCI sẽ tiếp tục trở thành nguồn dữ liệu thực tiễn quý giá để hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, vươn tầm khu vực và toàn cầu, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta.

Hải Phòng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024- Ảnh 4.

Hải Phòng dẫn đầu cả chỉ số PCI và PGI với các chỉ số thành phần đạt kết quả cao - Ảnh: VGP/HT

Đại diện VCCI chia sẻ: PCI 2024 cũng là lần công bố thứ 20 của VCCI, là lần cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết của Trung ương chính thức được triển khai từ nửa cuối năm 2025. Đây là một thời điểm đặc biệt, khép lại một chu kỳ 20 năm cải cách bền bỉ, và đồng thời mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên phát triển mới – nơi mà hiệu quả điều hành và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương còn 2 cấp và tổ chức lại các sở, ngành của các địa phương, thời gian tới việc cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh sẽ có nhiều cơ hội và thách thức mới.

"Trong giai đoạn tới, VCCI cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục triển khai PCI và nhiều sáng kiến mới như Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) – một chỉ số phản ánh chất lượng quản trị môi trường gắn với phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. PGI sẽ cùng PCI tạo thành bộ đôi chỉ số thúc đẩy cả tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, - là mục tiêu kép rất quan trọng mà Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Huy Thắng