![]() |
Xã Tân Trào, điểm sáng của mô hình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng điện tử |
Xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia ở Hải Phòng được xác định là cuộc vận động lớn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và toàn thể nhân dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, tiến bộ nhưng vẫn giữ và bảo tồn được các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc
Thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH- HĐH, thành phố (TP) đã tập trung triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng các xã CNH- HĐH.
So với năm 2005, năm 2009 tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt giảm từ 69,9% xuống còn 55,65%; chăn nuôi tăng từ 28,1% lên 42,12%; dịch vụ nông nghiệp tăng từ 2,0% lên 2,3%.
Nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến nay, toàn TP có khoảng 2.000 ha đất canh tác áp dụng công nghệ trồng cây có vòm che, màng phủ nông nghiệp; khoảng 10.000 ha đất canh tác có thể sản xuất 3-4 vụ/ năm, cho thu nhập trên một giá trị canh tác hơn 50 triệu đồng/ ha/ năm. Hải Phòng hiện là địa phương đi đầu miền Bắc về sản xuất hạt giống lúa lai F1 và đi đầu cả nước về mua bản quyền công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất giống lúa lai F1…
Nông nghiệp Hải Phòng xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất mới như: HTX chăn nuôi, HTX trang trại, câu lạc bộ trang trại, trang trại chăn nuôi gia công, vùng sản xuất nông sản thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tổ hội dịch vụ nông nghiệp, tổ hội cơ khí hoá nông nghiệp... Bước đầu, nông dân Hải Phòng mở rộng việc liên kết trong sản xuất thay cho sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ như trước đây.
Bộ mặt nông thôn đổi mới
Nông thôn Hải Phòng đổi mới với nhiều công trình hạ tầng như trạm y tế, trường học, trạm điện, công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các chợ, đường giao thông... được đầu tư xây dựng.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 100% số đường trục huyện được láng nhựa; 100% số xã có đường ô tô về đến trung tâm xã; 94% số đường trong các thôn xóm bê tông hóa; 100% số xã, thị trấn dùng điện lưới quốc gia; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã...
Các làng văn hoá vận động nhân dân đóng góp xây dựng 669 trung tâm văn hoá làng; 100% số trạm y tế có bác sĩ và được đầu tư trang thiết bị y tế; 100% số xã có trường học nhiều tầng. Các cửa ô, thị trấn, thị tứ lớn ở ngoại thành đều nhộn nhịp công trường xây dựng, hàng loạt công trình mới vươn mình...
Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Trong giai đoạn 2010 – 2020, Hải Phòng ước cần khoảng 4.015-4.720 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Do vậy ngoài vốn ngân sách (khoảng 1.600 – 2.000 tỷ đồng), số vốn còn lại được xã hội hóa bằng các chính sách thích hợp.
Qua khảo sát bước đầu, Hải Phòng có khả năng hoàn thành sớm 8/12 chỉ tiêu chính trong Bộ tiêu chí quy định (như chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm tỷ lệ hộ nghèo; bảo đảm an sinh xã hội; phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả; xây dựng đời sống văn hóa; thông tin liên lạc…).
Còn 4 nội dung thành phố sẽ dồn lực để thực hiện là phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; phát triển giáo dục đào tạo; bảo vệ môi trường, xử lý nước thải; quy hoạch.
TP xác định đến năm 2012 xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể nông thôn mới chi tiết tới 100% số xã, thị trấn bảo đảm phù hợp theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và có tầm nhìn xa để hạn chế việc điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch trong tương lai.
Đồng thời TP tăng cường nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, gồm các chương trình về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; phát triển hệ thống giao thông bền vững; phát triển hệ thống bưu chính- viễn thông; xây dựng hệ thống chợ nông sản phù hợp với từng vùng; hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng các trung tâm, nhà văn hóa- tại các thôn, xã; thực hiện đào tạo nghề và chính sách bảo đảm việc làm cho nông dân.
Ngọc Ánh (nguồn: Báo Hải Phòng điện tử)