In bài viết

Hải quan chống thất thu thuế XNK đi đôi với tạo thuận lợi thương mại

(Chinhphu.vn) – Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, chiều 19/12, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho hay, trong năm qua, ngành hải quan đã tích cực triển khai các biện pháp chống thất thu thuế, đi đôi với cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu (XNK).

19/12/2022 17:55
Hải quan chống thất thu thuế XNK đi đôi với tạo thuận lợi thương mại - Ảnh 1.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong năm qua, ngành hải quan đã tích cực triển khai các biện pháp chống thất thu thuế, đi đôi với cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi xuất nhập khẩu

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, thời gian đầu năm 2022, tình hình diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành bảo đảm thủ tục hải quan 24/7, mọi lúc mọi nơi. Sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Tổng cục Hải quan tiếp tục cải cách theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, theo đó kim ngạch đạt mốc 700 tỷ USD vào ngày 15/12/2022, tăng 10,5%, tương ứng tăng 66,9 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến đến cuối năm, ước tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 733 – 735 tỷ USD.

Ngành hải quan tiếp tục mở rộng và triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN; kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật. Tính đến ngày 15/12/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 bộ, ngành kết nối với tổng số khoảng trên 5 triệu bộ hồ sơ.

Ngành hải quan đã áp dụng các biện pháp, giải pháp chống thất thu thuế, thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế, ưu đãi thuế, qua đó đã tăng thu NSNN. Đến ngày 18/12, tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 421.819 tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán, bằng 100,4% chỉ tiêu phấn đấu (420.000 tỷ đồng), tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến hết năm 2022 đạt khoảng 440.000 tỷ đồng, vượt hơn 20.000 tỷ, góp phần cân đối tài chính.

Song song với nhiệm vụ tài chính ngân sách, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện chống buôn lậu về hàng cấm, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng, tập trung các mặt hàng cấm nhập khẩu, xuất khẩu. Đặc biệt, ngành hải quan tăng cường đấu tranh phòng chống ma túy ở tất cả các địa bàn hải quan, đặc biệt qua tuyến hàng không, đường bộ và đường biển. Ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy có quy mô lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài, phát hiện, bắt giữ hàng tấn ma túy. Cụ thể phát hiện, bắt giữ 268 vụ/233 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 150 vụ. Tang vật thu được gồm: 153 kg heroin và 28 bánh heroin; 145 kg cần sa; 49,1 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 629 kg và 54.164 viên, ketamin 47,5 kg.

Về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số khoảng 16.031 vụ việc vi phạm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.791 tỷ đồng, tăng 113%; số thu NSNN đạt 425,6 tỷ đồng, tăng 46,8 %, cơ quan hải quan khởi tố 45 vụ, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 112 vụ. Trong đó, có vụ trị giá hàng hóa lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt ngành hải quan phải tăng cường dự báo, hợp tác quốc tế, phòng chống từ xa, chống gian lận thương mại, lợi dụng ưu đãi thuế với các nước, góp phần để đưa hàng hóa Việt Nam vươn xa.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Cẩn cho hay, trong chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ, bên lề Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN–EU, theo ủy quyền của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Chống gian lận châu Âu (OLAF) đã ký Thỏa thuận hợp tác hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Bộ Tài chính với OLAF. Thỏa thuận này có vai trò quan trọng trong hỗ trợ và nâng cao hiệu quả thực thi Nghị định thư 2 về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) với các nội dung cơ bản là hợp tác hỗ trợ hành chính, chia sẻ thông tin nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…

Bên cạnh các nhiệm vụ chính, ngành hải quan tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, hoàn thiện hệ thống quản lý hải quan hiện đại áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hướng tới hải quan thông tin theo đúng Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. 

Năm 2022, Tổng cục Hải quan tiếp tục xếp hạng nhất về chỉ số cải cách hành chính trong khối tổng cục và năm thứ 6 liên tiếp trong top đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

Huy Thắng