Theo đánh giá của cơ quan Hải quan, do bị tác động bởi nhiều yếu tố, năm nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm hơn so với năm trước, nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua các cửa khẩu giảm hơn. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp.
Nổi lên, trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, sản phẩm động vật hoang dã, xăng, dầu, khoáng sản, đường cát, vàng, ngoại tệ, gỗ quý, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, hàng điện tử, điện lạnh, vải, quần áo, hàng gia dụng, nông sản, thực phẩm, trâu, bò, hàng hóa đã qua sử dụng…
Tại các khu vực đô thị và địa bàn nội địa, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để buôn lậu, kinh doanh hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng.
Trong 11 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 14.589 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 474,258 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các cục hải quan địa phương, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 106.000 vụ vi phạm, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, giảm hơn 74%; trên 98.800 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, bao gồm cả các vụ tàng trữ trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, tăng gần 20%; trên 4.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022; thu nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 31%; khởi tố hình sự trên 1.300 vụ, với trên 1.800 đối tượng.
Qua các vụ vi phạm cho thấy, với thủ đoạn tinh vi, một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện hành vi luôn lậu, gian lận thương mại trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã phát hiện 2 doanh nghiệp có trụ sở tại TP Thủ Đức (TPHCM) và Bình Phước đã lợi dụng việc nhập khẩu hàng hóa để chuyển trên 3.783 tỷ đồng tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Riêng tại địa bàn TPHCM, nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và hành khách xuất nhập cảnh lớn nhất trong cả nước, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại cũng xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi. Trong 11 tháng năm 2023, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, bắt giữ 2.759 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.853 tỷ đồng. Trong đó có 2 vụ buôn lậu, 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, 36 vụ vi phạm về ma túy, 37 vụ vi phạm về kiểm soát hải quan, 2.679 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, 2 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả. Trong đó, Cục Hải quan TPHCM đã khởi tố và kiến nghị khởi tố hình sự 49 vụ vi phạm trọng điểm.
Các vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại tập trung vào một số hành vi chủ yếu như không khai báo, khai báo hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó, các đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, chỉ khai báo tên hàng theo nhóm hàng khi làm thủ tục hải quan, không chi tiết tên hàng trong lô hàng (trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao). Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng phát hiện có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra, doanh nghiệp liền điều chỉnh đích đến cuối cùng trên manifest là Campuchia và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh.
Nhận diện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất từ nước ngoài đưa về Việt Nam với thủ đoạn tinh vi, số lượng lớn. Chính vì thế, bên cạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả, cơ quan Hải quan luôn chú trọng công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại cửa khẩu.
Trong 10 tháng 2023, toàn ngành Hải quan đã đấu tranh, bắt giữ xử lý 51 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng gần 30 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến các mặt hàng tiêu dùng, như: quần áo, dầy dép, túi sách, thắt lưng, thuốc lá, hàng tiêu dùng là sản phẩm điện tử…; nhãn hiệu bị xâm phạm như: LV, Gucci, Nike, Chanel, Adidas, Hermes,…
Điển hình, cuối tháng 10/2023, Tổ kiểm tra liên ngành ban 389 tỉnh An Giang, gồm: Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên... đã tổ chức khám 3 phương tiện ô tô tải, thu giữ: hơn 8.000 chiếc túi xách; hơn 10.000 đôi dép và gần 3.000 quần, áo... giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Dior, Charles & Keith… Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Theo ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), phương thức thủ đoạn chủ yếu các đối tượng sử dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế. Đối với hàng hóa quá cảnh, đối tượng lợi dụng khai báo theo thủ tục đơn giản để không khai nhãn hiệu hàng hóa nhằm che giấu hành vi vận chuyển quá cảnh hàng giả mạo nhãn hiệu. Đối với hàng gửi kho ngoại quan, hành vi của các đối tượng là đưa hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vào kho ngoại quan sau đó tìm cách xuất sang nước thứ 3, không loại trừ việc thẩm lậu từ kho ngoại quan vào nội địa tiêu thụ trái phép.
Đáng chú ý, các lô hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan Hải quan phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn. Chẳng hạn, lô hàng gần 40 container dây cáp điện có dấu hiệu giả mạo xuất xứ do một doanh nghiệp nhập khẩu qua cảng Cát Lái đã bị Cục Hải quan TPHCM phát hiện khởi tố hình sự vào cuối tháng 2/2023 đang được Công an TPHCM điều tra làm rõ.
Ngoài các phương thức vận chuyển truyền thống, hiện nay, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nếu thiếu sự quản lý, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Hiện các lực lượng chống buôn lậu đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu và gian lận thương mại nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm từ cửa khẩu đến thị trường…
Thu Hòa