Theo đó, đối với thủ tục tịch thu hàng hóa đối với trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm, tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 67/2020/QH14 (sau đây viết tắt là Luật Xử lý VPHC) quy định, đối với trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm đó.
Ngoài ra, liên quan đến việc xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý VPHC quy định: Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.
Trong đó, lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyển phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành hành chính.
Theo đó, đối với vụ việc không xác định được đối tượng vi phạm, nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý VPHC; đồng thời, tang vật vi phạm thuộc các trường hợp tạm giữ theo các điểm a và b khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý VPHC và thực tế đã thực hiện tạm giữ tang vật vi phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền phải thực hiện trình tự, thủ tục để tịch thu tang vật vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý VPHC.
Tổng cục Hải quan cho rằng, trong thực tiễn, nếu có trường hợp khi phát hiện vi phạm hành chính, cơ quan người có thẩm quyền xác định ngay được hành vi vi phạm, tình tiết vi phạm và có căn cứ cho rằng không xác định được đối tượng vi phạm mà không cần phải thực hiện tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể thực hiện việc ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý VPHC.
Liên quan đến xử lý vụ việc khi quá thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính, theo Tổng cục Hải quan, thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý VPHC và khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
Cũng tại khoản 8 Điều 58 Luật Xử lý VPHC quy định: “biên bản VPHC phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính...”.
Theo đó, trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập nhưng không đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì không thể làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt VPHC.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, việc ban hành quyết định xử phạt căn cứ vào biên bản VPHC được lập không đúng thời hạn là vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định xử phạt được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, người có thẩm quyền phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ quyết định xử phạt có vi phạm và có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 19/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp này, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát việc lập biên bản VPHC sau ngày 1/1/2022 nhưng quá thời hạn lập biên bản VPHC (nếu có), xác định lý do cụ thể (khách quan và chủ quan), báo cáo Tổng cục (kèm đề xuất việc xử lý) trước ngày 15/11/2022.
Nụ Bùi