Năm 2022, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu pháp lệnh 17.800 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu phấn đấu 20.370 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 7/2022, tổng số thu tại đơn vị đã đạt được trên 15.353 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 86% chỉ tiêu pháp lệnh và 76% chỉ tiêu phấn đấu.
Kết quả này có được là nhờ Cục Hải quan Đồng Nai thực hiện hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi kinh doanh sản xuất sau đại dịch nhằm bảo vệ nguồn thu, đặc biệt là nhóm DN phát triển bền vững, ổn định trên địa bàn. Cùng với đó, đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tiếp xúc, phát triển nguồn thu từ nhóm DN mới, DN mở rộng dự án đầu tư, quy mô sản xuất; rà soát nhóm DN có cơ sở sản xuất, nhà máy trên địa bàn tỉnh nhưng không làm thủ tục Hải quan tại đơn vị, xác định nguyên nhân để triển khai các giải pháp thu hút nguồn thu phù hợp, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Nổi bật trong đó là sự đồng hành cùng với DN trong giải quyết khó khăn về chênh lệch mức phí của Đề án thu phí hạ tầng cảng biển của TPHCM. Theo đó, ban lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai đã tập trung chỉ đạo tăng cường tiếp xúc, nắm bắt, ghi nhận phản ánh, kiến nghị của DN liên quan đến các nội dung thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM. Qua đó, tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết, đồng thời ban lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai cũng chủ động báo cáo trực tiếp với lãnh đạo các cấp có thẩm quyền từ chính quyền địa phương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ... các bất cập về sự chênh lệch mức phí nêu trên để có giải pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi kinh doanh sản xuất.
Nhờ sự quyết liệt đó, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ… đã tiếp nhận được đầy đủ thông tin, đánh giá đúng thực chất tình hình tác động của các mức phí theo Đề án nêu trên của HĐND TPHCM đến công tác quản lý hành chính nhà nước nói chung và môi trường hoạt động kinh doanh sản xuất của DN nói riêng. Theo đó, tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 7/2022 vừa qua, HĐND TPHCM thống nhất về chung một mức phí hạ tầng cảng biển áp dụng cho tất cả các DN vận chuyển hàng hóa qua các cảng tại TPHCM, không phân biệt làm thủ tục Hải quan tại Cục Hải quan TPHCM hay tại các đơn vị khác như trước đây.
Dù kết quả thu ngân sách 7 tháng đang rất khả quan, song số liệu thống kê của Cục Hải quan Đồng Nai cũng cho thấy, tốc độ thu ngân sách của đơn vị có dấu hiệu giảm dần vào các tháng gần đây. Nguyên nhân của tình trạng này là do giá cả hàng hóa biến động tăng tập trung vào các tháng 3, 4, 5 và bắt đầu giảm dần và ổn định giá vào tháng 6 và tháng 7. Do đó một số mặt hàng có thuế không giảm về lượng nhưng giảm về trị giá, dẫn đến giảm thuế, như: kim loại, hóa chất, xăng dầu, phân bón, than đá và một số máy móc thiết bị nhập khẩu…
Trước tình hình đó, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao, Cục Hải quan Đồng Nai sẽ tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi kinh doanh sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch.
Cục Hải quan Đồng Nai cũng sẽ tập trung quản lý, thu hồi nợ thuế, chống thất thu thuế tại tất cả các khâu trước trong và sau thông quan đạt hiệu quả thông qua việc thực hiện đầy đủ, đúng các quy trình thông quan hàng hóa; kiểm tra sau thông quan; thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Về công tác quản lý nợ thuế, trong năm 2022, Cục Hải quan Đồng Nai không được giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2022 đơn vị vẫn chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp quản lý, thu hồi nợ đọng thuế. Kết quả, tổng số nợ thuế cưỡng chế của Cục Hải quan Đồng Nai đến thời điểm 30/6/2022 là 16,9 tỷ đồng, giảm 3,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021.
NH