Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), công tác phòng, chống ma túy của ngành hải quan phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong bối cảnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn vô cùng tinh vi.
Các tổ chức, đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng gia tăng lợi dụng các quy định, kẽ hở về mặt chính sách, như: Chính sách, quy định về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, chính sách miễn thị thực đối với cư dân thuộc khối ASEAN; sự khác biệt trong quy định pháp luật về ma túy của các quốc gia, xu hướng hợp pháp hóa cần sa và một số loại ma túy tại một số nước… để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đặc biệt là qua tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh; tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Bên cạnh đó, quy định, chế tài xử lý của Luật Bưu chính còn lỏng lẻo dẫn đến thực tế khó kiểm soát chặt chẽ các gói, kiện hàng gửi để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ bị lợi dụng nhằm cất giấu, trà trộn ma túy. Hiện nay lại chưa có cơ chế kiểm soát, xử lý hiệu quả, có sức răn đe đối với công ty làm dịch vụ logistics, bưu chính, chuyển phát nhanh trong trường hợp liên quan đến hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy.
Hơn nữa, địa bàn hoạt động hải quan rộng, đường biên giới dài, địa hình phức tạp; lưu lượng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất – nhập cảnh phương tiện lớn trong bối cảnh cơ quan Hải quan phải thực hiện theo chính sách tạo thuận lợi thương mại.
Trong khi đó, lực lượng kiểm soát, phòng chống ma túy của Hải quan mỏng, một bộ phận chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng trinh sát, điều tra phục vụ công tác phối hợp đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý đối với tội phạm ma túy. Thực trạng này phần nào hạn chế hiệu quả công tác phòng chống ma túy.
Ngoài ra, do điều kiện, vị trí của Việt Nam về mặt đặc điểm địa lý, địa hình và gần khu vực sản xuất, buôn bán ma túy lớn của khu vực và thế giới, dẫn đến tội phạm ma túy đã và tiếp tục lợi dụng để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua tất cả các tuyến (đường hàng không, đường bộ, đường biển).
Với siêu lợi nhuận từ việc vận chuyển, buôn bán ma túy, các đối tượng ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả lực lượng chức năng. Thêm vào đó, tội phạm ma túy thường xuyên sử dụng công nghệ cao để trao đổi, móc nối, liên lạc, điều hành việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Đáng chú ý, tại một số nước xuất hiện khuynh hướng muốn hợp pháp hóa việc sử dụng và lưu hành một số loại ma túy cũng tạo nên những khó khăn, sức ép không nhỏ đối với nỗ lực đấu tranh phòng chống ma túy của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Những khó khăn này đã tạo nên thách thức ngày càng lớn đối với công tác đấu tranh phòng chống ma túy của cơ quan Hải quan và các lực lượng chức năng, chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy.
Theo Tổng cục Hải quan, trước tình hình trên cần thiết phải tăng cường công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy giữa lực lượng chuyên trách, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an.
Cơ quan Hải quan tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, đặc biệt là lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống ma túy. Đồng thời, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ chuyên trách; tuyên truyền kiến thức pháp luật đến người dân, doanh nghiệp; tiến hành cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, cơ quan Hải quan luôn chú trọng tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, trong đó trung tâm là lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống ma túy. Đồng thời, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ đội ngũ cán bộ chuyên trách; tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy đến đội ngũ cán bộ hải quan, người dân, doanh nghiệp; tiến hành cải cách, hiện đại hóa ngành hải quan trong tình hình mới.
Tới đây, ngành hải quan sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị, đặc biệt là các máy soi container, hành lý, hàng hóa; các máy phát hiện ma túy cũng như lực lượng chó nghiệp vụ hải quan ở các sân bay. Qua đó, sớm phát hiện các dấu hiệu vi phạm về ma túy song vẫn đảm bảo tạo thuận lợi đối với hoạt động thương mại và thông quan hàng hóa.
Đặc biệt, trong bối cảnh xu thế hội nhập hiện nay, ngành hải quan sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế với các đối tác trong khuôn khổ song và đa phương nhằm đẩy mạnh trao đổi thông tin nghiệp vụ, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ, cập nhật về phương thức thủ đoạn và tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy giữa các quốc gia, trong khu vực và trên toàn thế giới.
Hoàng Giang