Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát Thủ tục hành chính, VPCP phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cụ thể, theo báo cáo APCI 2020, để thực hiện TTHC về Giao dịch thương mại qua biên giới, trung bình mỗi doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra khoảng 7,3 giờ, chi phí trực tiếp là xấp xỉ 3 triệu đồng. Cứ 100 DN thì có đến 51 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện TTHC liên quan đến Giao dịch thương mại qua biên giới.
Giải đáp vấn đề này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, VPCP cho biết, nhóm TTHC liên quan đến Giao dịch thương mại qua biên giới chịu tác động của nhiều yếu tố và nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Hải quan chỉ là 1 khâu để hàng hóa có quyết định thông quan. Báo cáo APCI tính toán một chuỗi những công việc để thực hiện đưa hàng hóa qua biên giới nên không thể đổ lỗi cho cơ quan Hải quan.
Ông Đàm Mạnh Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan phát biểu làm rõ điểm APCI của nhóm TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020 giảm 7,4 điểm so với năm 2019. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Làm rõ hơn vấn đề này, theo ông Đàm Mạnh Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, điểm APCI của nhóm TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020 giảm 7,4 điểm so với năm 2019. Các chỉ số về chi phí thời gian, chi phí trực tiếp nhóm TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020 đều tăng so với các chỉ số tương tự của năm 2019 lần lượt là 8% và 44%.
Bên cạnh vai trò của cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành thì các đơn vị quản lý, kinh doanh cảng, vận tải, logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện chỉ số APCI của nhóm thủ tục này. Theo kết quả thảo luận với các bên liên quan, nguyên nhân chủ yếu là do các chi phí liên quan đến logistics tăng cao, vì cơ sở hạ tầng giao thông, bến bãi, ứng dụng khoa học kỹ thuật… chưa phát triển kịp với mức độ gia tăng của lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hóa.
Để cải thiện những chỉ số này, trong những năm qua, cơ quan Hải quan đã nỗ lực cải cách, hiện đại hóa TTHC, giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Năm 2020, năm cuối cùng triển khai Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là tập trung vào kết quả ứng dụng CNTT sâu rộng trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan. Tuy nhiên, thời gian có độ trễ nhất định để thể hiện hiệu quả.
Từ năm 2019, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng Đề án kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch… Đề án này được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, hướng tới hiện đại hóa ngành Hải quan và sự phát triển mạnh mẽ của hải quan điện tử phù hợp với chuyển đổi quốc tế.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu Đề án này được thực thi, thời gian DN phải đến các cơ quan có chức năng kiểm tra sẽ giảm được tối thiểu 2 ngày cho 1 lô hàng. Việc thực hiện Đề án này cũng là căn cứ để xây dựng các cơ sở dữ liệu về kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa để cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro và ra các quyết định thông quan cho các lô hàng, từ đó giúp giảm mạnh khối lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên bài toán rất lớn của Đề án đó là sự phối hợp, phân định phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Hải quan và các tổ chức chuyên ngành.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng có thể nguyên nhân dẫn đến chỉ số giảm là do gần đây Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, mặc dù COVID-19 nhưng lượng hàng xuất khẩu tăng rất mạnh; ngoài ra theo phản ánh có nhiều container trong các cảng không giải phóng được do vướng về mặt thủ tục, pháp lý nào đó mà các chủ hàng không nhận.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách của Thủ tướng đưa ra những khuyến nghị cho cơ quan Hải quan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
‘Hậu kiểm làm không tốt thì DN còn lo hơn, khổ hơn’
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách của Thủ tướng cũng đưa ra những khuyến nghị cho cơ quan Hải quan. Đó là, tất cả những thủ tục về lô hàng phải được thực hiện bằng phương thức điện tử, để DN không phải mang thủ tục giấy đến cơ quan hải quan.
“Giao dịch không tiếp xúc dứt khoát cắt giảm được vấn đề tiêu cực, chứ đã mang hồ sơ đến là sẽ có vấn đề”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nói.
Hai là kết nối từ cơ quan hải quan đến cơ quan liên quan như vận tải của Bộ GTVT. Vấn đề thứ ba là hậu kiểm. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta quyết liệt chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đánh giá sự tuân thủ của DN tức là sau bao nhiêu lô hàng DN thực hiện tốt thì không phải tiền kiểm nữa mà hậu kiểm.
“Hậu kiểm làm không tốt thì DN còn lo hơn, khổ hơn. Hậu kiểm phải minh bạch, rõ ràng, không phát sinh thủ tục, tạo thuận lợi cho DN chứ không phải để bắt lỗi DN. Như thế mới là cắt giảm chi phí không chính thức”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến hậu kiểu trong kiểm tra chuyên ngành, ông Nguyễn Hưng Quang, Trưởng nhóm nghiên cứu APCI 2020 cho biết, qua khảo sát thực tế, các DN mong muốn đơn giản hóa TTHC, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng nếu các thủ tục trong hậu kiểm không đoán định được thì lại tạo rủi ro khác cho DN, gia tăng chi phí tiêu cực. Vì vậy đó là một trong những khuyến nghị được nêu trong báo cáo APCI năm 2020.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến một kết quả khảo sát APCI 2020 là nhóm TTHC về môi trường tốn nhiều chi phí của DN nhất (hơn 63,3 triệu đồng). Qua phân tích cụ thể từng yếu tố, để thực hiện TTHC trong nhóm môi trường, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 61,5 giờ, chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Cứ 100 DN thì có 52 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo ông Ngô Hải Phan, chi phí thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí tuân thủ của nhóm môi trường. Với yêu cầu ngày càng chặt chẽ về bảo vệ môi trường, rất ít DN có đủ điều kiện về nhân lực, cũng như chuyên môn để có thể tự lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do vậy việc sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp là cần thiết đối với DN. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhóm TTHC về môi trường tốn nhiều chi phí của DN nhất.
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả phân tích các phiếu khảo sát doanh nghiệp của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, APCI cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà DN phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông qua các số liệu và thông tin thực tế, APCI phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các thủ tục hành chính, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các Bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hoàng Giang – Gia Huy