Từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, có ý kiến tham gia trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ban hành các Luật, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính để hoàn thiện chính sách pháp luật về hải quan.
Nổi bật phải kể đến như Nghị định 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu (XK), Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi, Danh mục hàng hoá về mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế NK ngoài hạn ngạch thuế quan; Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá NK; các Biểu thuế về XK ưu đãi và NK ưu đãi; Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xuất xứ hàng hoá XNK; các quy định về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ với hàng hoá XK…
Đặc biệt, cơ quan Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu rõ, ngay từ đầu năm 2023, ngành Hải quan đã thực hiện 10 nhóm chỉ tiêu cải cách và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...
Đại diện Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt (Hà Tĩnh):
Việc cơ quan Hải quan chủ động hướng dẫn, tiếp cận hỗ trợ DN trong quá trình làm thủ tục XNK hàng hoá đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt DN và nhà đầu tư. Cụ thể, đối với những bộ hồ sơ, thủ tục có phát sinh vướng mắc, cơ quan Hải quan luôn cử cán bộ công chức có chuyên môn sâu để hỗ trợ thông quan hàng cho DN. Đối với các DN có lượng hàng, kim ngạch XNK lớn, việc cơ quan Hải quan tích cực hỗ trợ nhằm đảm bảo giảm chi phí lưu kho bãi và thời hạn giao hàng mà DN đã ký kết với đối tác là vô cùng quý.
Đại diện Công ty CP may Sông Hồng (Nam Định):
Trước đây, thủ tục XNK chiếm khá nhiều thời gian, chi phí của DN, nhưng nay, hàng hoá của DN được phân luồng Xanh, Vàng, Đỏ; phân định hàng hoá nào thuộc diện tiền kiểm, hậu kiểm, qua đó rút ngắn thời gian DN làm thủ tục XNK.
Đặc biệt, trong cải cách thủ tục hành chính, cơ quan Hải quan đã nâng cấp độ giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Từ việc sử dụng giấy tờ, hồ sơ bản cứng có đóng dấu chuyển sang chế độ sử dụng chế độ điện tử. Chúng tôi đánh giá là có trên 90% các hồ sơ, giấy tờ đã được điện tử hoá. Như vậy, DN tốn ít thời gian, chi phí hơn trước, khi phải trực tiếp đến làm thủ tục tại trụ sở cơ quan Hải quan để xử lý các thủ tục hành chính, điều kiện XNK.
Song song với đó, cơ quan Hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống VASSCM, góp phần đơn giản hóa thủ tục đưa hàng hóa khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và DN, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi.
“Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại nên đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình đạt khoảng 62,14% tổng số dịch vụ công. Đồng thời, phối hợp với 13 bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn DN đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hầu hết DN đều đánh giá cao sự cập nhật, công khai các thủ tục liên quan đến hoạt động XNK của cơ quan Hải quan trên các cổng thông tin từ Tổng cục Hải quan cho đến cục hải quan tỉnh, thành phố.
Trực tiếp nêu những khó khăn vướng mắc ngay tại hội nghị đối thoại chính sách, thủ tục thuế, hải quan năm 2023 do Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức diễn ra sáng ngày 13/12/2023, các DN cho rằng trong lĩnh vực hải quan vẫn còn tồn tại, bất cập như phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, một mặt hàng chịu nhiều quy định quản lý do nhiều cơ quan quản lý, kiểm tra, làm ảnh hưởng đến thông quan, giải phóng hàng hóa và làm tăng chi phí thực hiện thủ tục hành chính...
Một số DN cũng phản ánh, thời gian giải quyết thủ tục điện tử, việc cấp giấy phép NK tiền chất, việc hoàn thuế XNK, kiến nghị giảm thời gian hoàn thuế NK, kiến nghị về quy định rõ số lần soi chiếu hàng hóa, về cơ chế hoàn thuế GTGT cho DN chế xuất vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu như kỳ vọng.
Ngoài ra, các DN nhấn mạnh, việc kiểm tra theo các hình thức khác nhau gây khó khăn cho DN, kiến nghị cơ quan Hải quan, Bộ Tài chính xem xét tăng cường các biện pháp phi thuế quan; rà soát, đảm bảo công bằng trong áp dụng chính sách thuế giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế…
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã trao đổi, giải đáp cụ thể tất cả các vướng mắc DN nêu.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa trong lĩnh vực hải quan theo hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi trong thực hiện các quy định của pháp luật.
Nụ Bùi