Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước 5 tháng đầu năm đạt 303,94 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 156,28 tỷ USD, tăng 14,9% và nhập khẩu (NK) đạt 147,66 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Với sự tăng trưởng của kim ngạch đã giúp công tác thu ngân sách của toàn ngành Hải quan đạt 165.696 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán được giao, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đánh giá nguyên nhân tăng thu, đại diện Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 5 tháng đầu năm nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng NK phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… đạt trị giá 31,7 tỷ USD, chiếm 56,5% tổng kim ngạch NK có thuế, tăng 20,03% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhóm dầu thô NK cũng đạt 5,8 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và tăng 20,1% về trị giá. Nhóm xăng dầu NK đạt 3,7 triệu tấn, trị giá 3,03 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 14,5% về trị giá.
Chỉ tính riêng trong tháng 5, toàn ngành Hải quan thu nộp NSNN đạt 38.940 tỷ đồng, tăng 11,3% so với tháng 4.
Nguyên nhân tăng thu là do kim ngạch một số mặt hàng NK có trị giá lớn, thuế suất cao tăng mạnh 7,2% so với tháng 4. Chủ yếu tăng thu của 3 mặt hàng: Dầu thô NK; ô tô nguyên chiếc, máy móc thiết bị phụ tùng.
Ngoài ra, số thu NSNN của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố chiếm phần lớn dự toán thu của Ngành đạt 141.789 tỷ đồng, bằng 42,83% dự toán, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình như: Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 34,22%; Cục Hải quan Thanh Hóa tăng 24,78%; Cục Hải quan Quảng Ninh tăng 26,51%...
Tuy nhiên, do thực hiện chính sách ưu đãi thuế theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ tiếp tục cho giảm thuế GTGT một số mặt hàng nên trong 5 tháng đầu năm đã giảm hơn 7.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30/4, tổng số nợ thuế toàn ngành là 5.416,31 tỷ đồng, giảm 140,41 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Trong 4 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã thu hồi và xử lý nợ đạt 174 tỷ đồng.
Bên cạnh công tác thu NSNN, ngành Hải quan cũng tập trung rà soát xử lý nợ trong toàn ngành.
Nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp đôn đốc, thu hồi và xử lý nợ thuế đạt chỉ tiêu giao, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát các hồ sơ quản lý nợ để có các biện pháp cưỡng chế phù hợp.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện công tác quản lý nợ đối với các trường hợp tờ khai giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản.
Theo đó, đối với các tờ khai giải phóng hàng và hàng mang về bảo quản đã có kết quả phân tích phân loại, giám định hoặc tham vấn giá nhưng người nộp thuế không thực hiện khai bổ sung theo quy định, công chức Hải quan cập nhật số thuế phải thu trên hệ thống kế toán thuế tập trung theo hướng dẫn tại Sổ tay nghiệp vụ ban hành kèm theo Quyết định số 1647/QĐ-TCHQ ngày 26/6/2020 của Tổng cục Hải quan, ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định.
Trong đó, Cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo chi cục hải quan kiểm tra, rà soát kịp thời tờ khai giải phóng hàng chờ kết quả tham vấn giá, kết quả phân tích phân loại, giám định, đưa hàng về bảo quản, chậm duyệt tờ khai bổ sung hoặc chưa duyệt tờ khai bổ sung, thực hiện tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định.
Các bộ phận nghiệp vụ thường xuyên phối hợp với bộ phận kế toán thuế XNK kiểm tra đối chiếu số liệu phát sinh trong kỳ kế toán trước khi đóng kỳ kế toán. Đảm bảo số liệu theo dõi chi tiết của bộ phận nghiệp vụ phải phù hợp với số liệu tổng hợp của bộ phận kế toán khi đóng kỳ kế toán theo quy định tại Điều 18 Thông tư 174/2015/TT-BTC.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế theo quy định tại Điều 124, 125 Luật Quản lý thuế 2019. Trường hợp người nộp thuế nợ quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn, thời hạn nộp dần tiền thuế, hết thời gian nộp phạt vi phạm hành chính thì cơ quan Hải quan phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế để đôn đốc thu hồi nợ thuế.
Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị rà soát các hồ sơ quản lý nợ để thực hiện các biện pháp cưỡng chế hoặc đã hết hiệu lực của biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu hồi được nợ hoặc thu hồi nợ chưa đủ để tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
Trường hợp biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế không hiệu quả, cơ quan Hải quan chuyển sang biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
Qua rà soát thống kế toán thuế tập trung tại Tổng cục Hải quan, hiện nay có tình trạng người nộp thuế có nợ thuế của nhiều tờ khai nhưng chưa được phân loại nợ ở 2 nhóm nợ khác nhau (nhóm nợ khó thu và nhóm nợ có khả năng thu). Bên cạnh đó, người nộp thuế được phân loại vào nhóm nợ khó thu (người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) nhưng tra cứu trên website của Tổng cục Thuế thì người nộp thuế đang hoạt động hoặc người nộp thuế tạm dừng kinh doanh có thời hạn, đã phân loại sang nhóm nợ khó thu nhưng khi hết thời hạn tạm dừng kinh doanh, đã quay trở lại hoạt động nhưng cơ quan Hải quan chưa thực hiện phân loại lại sang nhóm nợ có khả năng thu.
Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục phải thường xuyên rà soát, phối hợp cùng các cơ quan chức năng có liên quan, thực hiện xác minh lại tình trạng hoạt động của DN để phân loại lại đúng nhóm mợ.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, việc phân loại nợ, thực hiện theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ và khoản thu khác đối với hàng hóa XNK ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ ngày 24/10/2022 của Tổng cục Hải quan.
Đối với xử lý nợ thuế tạm thu, theo Tổng cục Hải quan trường hợp người nộp thuế có tờ khai phải nộp thuế tạm thu nhưng chưa thực hiện thanh khoản thuế theo quy định mà đang nợ thuế (gồm thuế NK, thuế GTGT...), các đơn vị căn cứ vào khoản 5 Điều 35 Thông tư 194/2010/TT-BTC và Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC để xử lý thuế tạm thu và theo dõi nợ thuế chuyên thu theo quy định.
Liên quan đến công tác khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt, để công tác khoanh, xóa nợ đạt hiệu quả cao nhất, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị rà soát các khoản nợ thuế đáp ứng điều kiện khoanh nợ, xóa nợ được quy định tại Điều 83 và Điều 85 Luật Quản lý thuế 2019.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, quy trình, thủ tục để ban hành quyết định khoanh nợ, trình cấp có thẩm quyền xóa nợ theo Quy trình Khoanh nợ tiền thuế nợ, xóa nợ tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp ban hành kèm theo Quyết định số 3009/QĐ-TCHQ ngày 19/11/2021 của Tổng cục Hải quan.
Thanh Quang