Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Để triển khai chính sách này, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn cho doanh nghiệp biết và thực hiện. Cụ thể, qua khai thác trong cơ sở dữ liệu đối với hàng hóa được khai báo vào mã áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/8/2022, tổng số tiền thuế GTGT phải thu theo khai báo là 46.739,23 tỷ đồng. Theo đó, số thuế GTGT đã được giảm từ ngày 1/2 đến ngày 21/8/2022 theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP là 11.684.825 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã thực hiện chính sách điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do COVID-19 theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ. Theo đó, toàn Ngành Hải quan đã thực hiện hoàn thuế năm 2022 theo Điều 7a đến ngày 23/8/2022 với tổng số tiền thuế hoàn là 6.309 tỷ đồng và theo Điều 7b là 16,4 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo quy định của Nghị định 101/2021/NĐ-CP đã có 26 mã hàng giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN so với Nghị định 57/2020/NĐ-CP.
Theo Tổng cục Hải quan, tính trên kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 của các mã hàng điều chỉnh giảm thuế suất tại Nghị định 101/2021/NĐ-CP cho thấy trị giá nhập khẩu nhân với chênh lệch thuế suất giảm của từng mã hàng giảm thuế suất tại nghị định này thì số tiền thuế nhập khẩu của các mã hàng điều chỉnh giảm thuế suất giảm khoảng 1.137 tỷ đồng (tính trên tỷ giá 23.000 VND/1 USD).
Trong đó, số tiền thuế giảm chủ yếu là của mặt hàng ngô thuộc mã hàng 1005.90.90 giảm 1.052 tỷ đồng (thuế suất giảm từ 5% xuống còn 2% do kiến nghị của Hoa Kỳ; nhập khẩu chủ yếu từ Argentina, Pakistan, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ) và mặt hàng thịt lợn đông lạnh thuộc mã hàng 0203.22.00 và 0203.29.00 giảm 55 tỷ đồng (thuế suất giảm từ 15% xuống còn 10% do kiến nghị của Hoa Kỳ; nhập khẩu chủ yếu từ Brazil, Hoa Kỳ, Nga).
NB