Trong giai đoạn hiện nay, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế là xu thế và là yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia cũng như cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có cơ quan Hải quan. Đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống ma túy (PCMT) khi tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp.
Vì vậy, để đấu tranh PCMT hiệu quả, ngoài nỗ lực của toàn lực lượng và công tác phối hợp trong nước, hoạt động hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin kiểm soát hải quan luôn được xem là một trong những kênh thông tin hữu hiệu phục vụ hoạt động động nghiệp vụ về kiểm soát hải quan. Điều này cũng thể hiện thái độ tích cực và cam kết của Hải quan Việt Nam trong việc tham gia sâu rộng vào các hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan.
Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, kênh hợp tác quốc tế đã hỗ trợ cơ quan Hải quan Việt Nam thực hiện hiệu quả hoạt động trao đổi thông tin, nghiệp vụ; hỗ trợ xác minh, xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch tăng cường đấu tranh PCMT trong lĩnh vực hải quan, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác song và đa phương với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia khác.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục tích cực tham gia các dự án của Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế (INCB), như: Dự án OPIODS, dự án GRIDS. Thường xuyên cập nhật, khai thác và tiếp nhận thông tin về các vụ bắt giữ ma túy, tiền chất của các quốc gia thông qua hệ thống IONICS, PICS, tích cực trao đổi thông tin có liên quan đến hoạt động phòng, chống và kiểm soát ma tuý với Văn phòng tình báo Hải quan khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO A/P), Văn phòng liên lạc qua biên giới BLO, cơ quan phòng, chống ma túy của Mỹ (DEA) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới. Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Hà Nội thực hiện triển khai chương trình kiểm soát container toàn cầu tại một số cảng biển.
Thông qua việc trao đổi, khai thác các công cụ, nền tảng liên lạc trực tuyến, tham gia các khóa đào tạo, các buổi hội thảo và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong khuôn khổ hoạt động của các dự án, Tổng cục Hải quan đã thu thập, nắm bắt, trao đổi nhiều thông tin hữu ích, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp, công tác cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ xác minh, điều tra đối với hoạt động PCMT của ngành Hải quan.
Đặc biệt, một điểm nổi bật trong công tác hợp tác quốc tế có thể kể đến sự thành công của Chiến dịch "Hành động kiểm soát chung về đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng" (gọi tắt là Chiến dịch Con rồng Mekong) do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng lập vào năm 2018.
Chiến dịch là một loạt hoạt động chung chống buôn bán bất hợp pháp ma túy, tiền chất và các loài được kê trong CITES với sự tham gia của 26 cơ quan Hải quan và cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 4 giai đoạn và 1 giai đoạn mở rộng. Thông qua đó đã bắt giữ 1.362 vụ, trong đó có 1.267 vụ bắt giữ ma túy, 17 vụ bắt giữ tiền chất...
Riêng đối với Hải quan Việt Nam, đã chủ trì và phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 874 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, bắt giữ 843 đối tượng. Chiến dịch đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận; thể hiện vai trò, khẳng định sự tích cực, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của Hải quan Việt Nam trong việc nêu sáng kiến và phối hợp với cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế tăng cường các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát ma túy, tiền chất.
Tiếp tục triển khai Chiến dịch Con rồng Mekong 5, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tham dự Hội nghị khởi động chiến dịch Con rồng Mekong 5 diễn ra từ ngày 11 đến 13/4/2023 tại Thượng Hải (Trung Quốc) và phối hợp với UNODC tổ chức Khóa tập huấn liên ngành diễn ra từ ngày 23 đến 25/5/2023 tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Khóa tập huấn nhằm tăng cường hợp tác liên ngành về chống buôn bán động thực vật hoang dã, phối hợp trong công tác nghiệp vụ phòng, chống tội phạm ma túy và tội phạm về môi trường.
Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, mặc dù công tác phối hợp trao đổi thông tin quốc tế đã được quan tâm tăng cường và đạt được những kết quả đáng kể; song quá trình triển khai vẫn gặp phải những tồn tại, khó khăn vướng mắc nhất định.
Hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCMT còn gặp một số khó khăn do sự khác biệt về quy định của pháp luật của các nước; các nước châu Âu không tương trợ tư pháp với loại tội phạm có án tử hình như ma túy. Điều này dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn trong công tác phối hợp với các nước để thực hiện xác minh, tiến hành điều tra chung hay hỗ trợ truy bắt các đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục nỗ lực tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan nói chung và kiểm soát, PCMT nói riêng theo các khuôn khổ hợp tác song và đa phương. Qua đó, nhằm huy động tối đa các nguồn lực trao đổi, hỗ trợ về nghiệp vụ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong lĩnh vực hải quan.
Hoàng Giang