Đoàn công tác số 2 trên tàu Trường Sa 16 do Đại tá Trần Chí Tâm, Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn đến thăm chúc Tết các nhà giàn: DKI/9, DKI/20, DKI/21 (cụm Ba Kè); DKI/8, DKI/9 (cụm Quế Đường); DKI/7 (cụm Huyền Trân); DKI/2, DKI/16, DKI/17 và DKI/18 (cụm Phúc Tần). Đoàn số 1 do Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng 2 làm trưởng đoàn đến thăm, động viên các nhà giàn: DKI/15 (cụm Phúc Nguyên); DKI/11, DKI/12, DKI/14 (cụm Tư Chính), DKI/10 (bãi cạn Cà Mau), tàu trực, trạm radar, khối cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo.
Dù thời tiết khắc nghiệt, gió to, sóng lớn, dòng chảy mạnh nhưng với truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt khó và phát huy cao độ phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân", các đoàn công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa đầy đủ hương vị Tết từ đất liền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cùng tình cảm nồng ấm của đồng bào cả nước đến cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi…
Trước giờ khởi hành, Thủ trưởng Vùng 2 đã cung cấp thông tin về các nhà giàn DKI. 35 năm trước, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật trên thềm lục địa phía nam (gọi tắt là nhà giàn DKI) thuộc đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay).
DKI hiện thuộc sự quản lý của Tiểu đoàn DKI, Vùng 2 Hải quân…, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế tự nhiên ở thềm lục địa của Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài của đất nước.
Khu vực DKI nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế quan trọng từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và tuyến đường hàng hải chính qua biển Đông. Là khu vực biển có nguồn hải sản phong phú, trữ lượng lớn trong đó có nhiều loài thuộc dòng quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Song do điều kiện thời tiết, khí hậu, hải văn ở đây diễn biến rất phức tạp gây nên nhiều khó khăn cho các hoạt động tuần tra, kiểm soát, đóng quân, chốt giữ bảo vệ chủ quyền biển, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Trên thềm lục địa phía nam hiện có tất cả 15 nhà giàn DKI. Ở đó, có cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của Tiểu đoàn DKI (Vùng 2 Hải quân) đóng quân, trực gác suốt ngày đêm. Gần 35 mùa Xuân qua đi, các thế hệ CBCS nhà giàn đón Tết giữa biển khơi, vững vàng nơi muôn trùng sóng gió đảm bảo bình yên cho đất liền đón những mùa Xuân ấm… Những thông tin về tầm quan trọng của nhà giàn, nhất là những gian khó, vất vả của CBCS đang ngày đêm canh giữ biển, trời Tổ quốc đã thúc giục chúng tôi… "ra biển" để hiểu hơn về chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi.
Biên đội tàu của Vùng 2 đã đưa chúng tôi "ra biển" đến với CBCS trên các nhà giàn DKI, các tàu trực thực hiện hải trình mang mùa Xuân ra biển vào một ngày đầu tháng 1/2024. Thời tiết cuối năm, biển động, ảnh hưởng từ các đợt gió mùa đông bắc nên sóng to, sức gió lớn, dòng chảy mạnh, con tàu vận tải ngàn tấn trở nên nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Những đợt sóng cao 5-6 m không chỉ ập lên mạn, boong tàu mà còn tràn cả vào phòng ngủ của thành viên đoàn công tác.
Ngày đầu tiên xuất phát, thành viên đoàn công tác ai cũng háo hức, vui nhộn nhưng đi biển cuối năm không hề dễ dàng, ngay cả với những người "dày dặn kinh nghiệm sóng gió" trong khi đó, đoàn lại có khá nhiều thành viên lần đầu "ra khơi" nên càng vất vả…
Phóng viên Nhật Quỳnh, Báo Lâm Đồng tâm sự: "Lâu nay cứ nghe nói là say sóng mệt hơn say tàu xe. Giờ mới thấm thía và mới biết, CBCS đang ngày đêm canh giữ các nhà giàn DKI ở thềm lục địa vất vả ra sao". Khó khăn là thế nhưng từng thành viên đoàn công tác vẫn quyết tâm vượt sóng để mang quà Tết vừa là tiêu chuẩn theo quy định, vừa là tình cảm của hậu phương tới với những người lính nhà giàn DKI…
Sau gần 3 ngày vần vũ vượt sóng, đoàn công tác số 2 trên Tàu Trường Sa 16 đã có mặt tại khu vực biển thuộc cụm Ba Kè. Đây là khu vực bãi ngầm có các Nhà giàn DKI/9, DKI/20, DKI/21. Thành viên đoàn công tác ai cũng háo hức để được đặt chân đến một trong số những nhà giàn đang sừng sững giữa biển khơi như để được đặt chân tới nơi "chân trời Tổ quốc", được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các Nhà giàn và thấu hiểu hơn cuộc sống của CBCS đang thực hiện nhiệm vụ tại đây.
Cũng thời điểm này, Tổ công tác báo chí trên tàu Trường Sa 16 chính thức cho phát bản tin nội bộ đầu tiên. Sóng chòng chành giữa trùng khơi, 3h sáng tôi đã hoàn thành xong công việc cá nhân, bắt đầu vạch ra những nội dung cần làm và sẵn sàng chờ lệnh của Trưởng đoàn công tác, theo sự sắp xếp của sĩ quan điều hành để thực hiện nhiệm vụ trên DKI/9. Gần 7h30 sáng, tôi là thành viên trong nhóm thứ 3 được xuống xuồng để qua Nhà giàn DKI/9. Thời tiết và sức gió càng lúc càng mạnh ở khu vực Ba Kè khiến Trưởng đoàn công tác phải hạ lệnh cho phương án "cẩu người lên nhà giàn".
Khi xuồng vận chuyển chúng tôi từ tàu gần đến chân nhà giàn thì bộ phận cẩu trục của Nhà giàn đã sẵn sàng chờ lệnh và lựa sức gió để lần lượt đưa từng người lên. So với chuyến hải trình đầu năm 2023, Xuân Giáp Thìn tôi lại được trải nghiệm lên nhà giàn bằng một phương pháp mới "ngồi lên cẩu và đu đưa giữa sóng biển để CBCS kéo vào nhà". Một cảm giác thực sự "phiêu" nhưng lúc đó trong tôi chỉ duy nhất niềm tự hào, hãnh diện vì được đến, được chạm và bước vào nhà - cột mốc sống bảo vệ chủ quyền giữa bốn bề sóng nước.
Từ Chỉ huy trưởng Phan Văn Mung hay Chính trị viên Đồng Xuân Phong cùng CBCS trên nhà đón chúng tôi đúng với tình cảm của "Người trở về". Vội thay đồ, tôi mặc một bộ áo dài truyền thống đúng ý nghĩa mang Xuân đến với DKI/9 và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ trong hải trình đoàn công tác…
Sau khi các nhóm đại diện tàu Trường Sa 16 đã có mặt ổn định tại Nhà giàn DKI/9 cũng như DKI/21, các nghi thức đón tiếp đoàn, chào báo cáo thủ trưởng diễn ra nhanh chóng để dành thời gian các nhà báo, phóng viên tác nghiệp, thăm hỏi, trò chuyện. Phóng viên Nguyễn Hải Đăng, Truyền hình VTV9 bộc bạch: "Tôi vô cùng tự hào khi được đón Tết cùng CBCS ngay giữa trùng khơi. Có đi, có đến mới thấu hiểu thêm những nỗ lực vượt khó mà CBCS nơi đây đang ngày đêm thực hiện".
Không chỉ Hải Đăng, các nhà báo, thành viên các đoàn công tác khi được đặt chân chạm mốc chủ quyền tại DKI/9 đều xúc động chứng kiến CBCS các Nhà giàn đã nỗ lực vượt khó, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động, kịp thời phối hợp nắm chắc tình hình, báo cáo về sở chỉ huy theo quy định. Cùng với đó, các anh còn tăng gia sản xuất, nuôi heo, gà, trồng rau trong điều kiện "4 bề sóng mặn".
Phóng viên Hoàng Đức Anh, Báo Bắc Ninh chia sẻ: "Nhìn những luống rau xanh được che chắn cẩn thận tiếp tục vươn chồi giữa sóng biển, gió biển, tôi càng khâm phục tinh thần thép của bộ đội hải quân. Các anh đã thực hiện tốt chức năng lao động sản xuất giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ"… Trong khoảng thời gian không dài, thành viên của đoàn đã có mặt ở các khu vực trên nhà giàn, tham gia gói bánh chưng Tết, tham quan khu tăng gia sản xuất, khu vực CBCS vững chãi ôm súng, ống nhòm gác biển…
Đại tá Trần Chí Tâm, Trưởng đoàn công tác cùng gói bánh chưng Tết với CBCS, vui vẻ nói: "Hoạt động thăm, kiểm tra động viên chúc Tết CBCS làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, tàu trực là hoạt động thường xuyên mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Các thành viên đoàn công tác được đến các nhà giàn, chứng kiến cuộc sống của CBCS nơi tiền tiêu Tổ quốc sẽ hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng mà mỗi CBCS Hải quân đang trải qua và cũng hiểu thêm dù có phải hy sinh, CBCS luôn sẵn sàng bởi trong khối óc, trái tim của họ là Tổ quốc, là nhân dân, là biển, trời, thềm lục địa của đất nước".
Trong câu chuyện vui Xuân đón Tết ngày đầu năm mới, Thiếu tá Phan Văn Mung, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DKI/9 cho biết, năm 2023, nhà giàn DKI/9 thực hiện tốt, nhiều mặt xuất sắc các nhiệm vụ do Tiểu đoàn DKI, Bộ Tư lệnh Vùng 2 giao. Quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh về huấn luyện chiến đấu, duy trì nghiêm trực sẵn sàng chiến đấu; phối hợp với các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng kịp thời phát hiện các mục tiêu và báo cáo về sở chỉ huy theo quy định…
100% cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được huấn luyện sử dụng thành thạo các loại vũ khí có trong biên chế với kết quả tốt, nhiều nội dung đạt xuất sắc. Công tác Đảng - công tác chính trị, dân vận được thực hiện hiệu quả. Trong năm tổ chức đón đưa an toàn 5 đoàn công tác; đặc biệt, sơ, cấp cứu kịp thời ngư dân Hồ Quốc Đức bị đứt chân, được cầm máu, tiếp tục đánh bắt cá…, thực sự trở thành điểm tựa của ngư dân vươn khơi, bám biển cùng các chương trình do Quân chủng, Bộ Tư lệnh Vùng 2, Tiểu đoàn DKI triển khai.
Trong ly rượu ấm đầu xuân, đoàn công tác vui mừng khi Nhà giàn DKI/21 (cụm Ba Kè) - một trong hai nhà giàn đoàn trực tiếp lên thăm, năm 2023 trở thành "điển hình" về tăng gia sản xuất, đưa thêm vào bữa ăn của Bộ đội, nâng cao đời sống CBCS.
Đại úy Trần Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Nhà giàn cho biết, cùng với việc duy trì nghiêm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nền nếp tác phong, kỷ luật; huấn luyện 100% cán bộ chiến sĩ sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị có trong biên chế, DKI/21 phát động và đẩy mạnh tăng gia sản xuất.
"Thu bình quân từ tăng gia sản xuất trong năm đạt trên 1,8 triệu đồng/người, vượt hơn 120% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Thực hiện hiệu quả công tác dân vận, hỗ trợ gạo, nước ngọt, dầu ăn… cho ngư dân trong chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", Đại úy Thanh nhấn mạnh.
Tàu hú còi chào nhà giàn để tiếp tục hải trình, những cánh tay vẫy chào của người lính hải quân mờ xa nhưng trong tiếng sóng biển dường như vẫn ngân vang tiếng hát của cán bộ, chiến sĩ hải quân nhà giàn DK1: "Sóng gió mặc sóng gió/Lính nhà giàn bọn tôi ở đó/Chông chênh mặc chênh chông/Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông"…
Trong tổng số 10 nhà giàn mà đoàn công tác số 2 thực hiện thì chỉ có nhà giàn DKI/9 và DKI/21 thuộc cụm Ba Kè là đoàn công tác được trực tiếp đặt chân chạm mốc chủ quyền; được thăm, động viên, tìm hiểu cuộc sống của CBCS nơi trùng khơi Tổ quốc; các nhà giàn còn lại phải thực hiện phương án chúc Tết khác. Dù giữa biển song các anh vẫn có rau xanh, có heo, có gà để cải thiện bữa ăn và hỗ trợ ngư dân, thực sự trở thành điểm đựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Đặc biệt, CBCS hải quân nhân dân Việt Nam vẫn vững tay súng, chắc chân sóng, bảo vệ vững chắc chủ quyền giữa trùng khơi.
(Còn tiếp)
Nguyệt Hà