Ngay từ lúc Haiyan (cơn bão số 14 vào Biển Đông) còn ở giữa đại dương, cách bờ biển nước ta khoảng 2.000 km (7/11), cơ quan dự báo thời tiết Việt Nam đã liên tục phát đi những thông tin cảnh báo về sức mạnh và đường đi của siêu bão.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp sớm để bàn giải pháp ứng phó sớm. Kêu gọi tàu thuyền khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú; chuẩn bị lệnh cấm biển khi bão vào Biển Đông; sơ tán dân vùng cửa sông, cửa biển; bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc… là những chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ được Trưởng Ban Chỉ đạo Cao Đức Phát truyền tải tới các thành viên tại buổi họp.
Ngay trong ngày, Công điện 1816 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác đối phó với bão được chính thức phát đi. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cũng liên tục có 3 văn bản cụ thể hóa chỉ đạo khẩn của người đứng đầu Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương từ Thanh Hóa tới Cà Mau đồng loạt triển khai các phương án ứng phó với siêu bão.
Sáng 8/11, siêu bão vào Philippines, gió giật trên cấp 17. Các bản tin cập nhật về đường đi và sức mạnh của cơn bão liên tục được phát đi. Chiều cùng ngày, chủ trì hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó siêu bão, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất, bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước khi bão đổ bộ vào Việt Nam.
Ngay trong phiên họp, lần đầu tiên Chính phủ cử hai Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đích thân “ra trận”, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các địa phương miền Trung, nơi được dự báo Haiyan sẽ đổ bộ.
Cùng ngày, lực lượng chức năng từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Bộ NNPTNT cử các đoàn công tác về giúp địa phương vận hành các hồ chứa và neo đậu tàu cá. Bộ Ngoại giao gửi công hàm đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân, tàu, thuyền của Việt Nam vào tránh trú và hỗ trợ trong trường hợp bị nạn, gặp sự cố. Bộ Y tế yêu cầu lực lượng y tế địa phương tổ chức các đội cấp cứu cơ động thường trực 24/24h sẵn sàng cơ động ứng cứu nạn nhân khi có lệnh…
Sáng 9/11, bão đi vào Biển Đông. Gió vẫn giật trên cấp 17. Sóng cao hơn 10m. Giữa hoang tàn, đổ nát, nhân dân Philippines hướng theo đường đi của siêu bão, “cầu nguyện” cho người Việt Nam “chân cứng, đá mềm”.
Trực tiếp thị sát tại Quảng Ngãi - nơi được dự kiến là một trong những điểm hứng bão đầu tiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trước nhân dân, trước Nhà nước, kiên quyết di dời toàn bộ nhân dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng trở ra Quảng Nam, Đà Nẵng. Chiều tối 9/11, họp khẩn với lực lượng PCLB ở Miền Trung, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt: Đơn vị nào chủ quan, gây thiệt hại, nguy hiểm cho người dân và xã hội sẽ bị xử lý nghiêm.
Tại Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu: Phải ứng phó với siêu bão với tinh thần “siêu hành động, siêu nhanh”. “Ta làm tối đa, cố gắng mấy cũng không thừa đối với sức tàn phá của cơn bão với sức gió mà ta chưa có kinh nghiệm phòng chống”. Rời thành phố Huế, Phó Thủ tướng đi ngược ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, yêu cầu cảnh giác cao độ trước mọi khả năng, diễn biến của bão Haiyan.
Trong khi đó, chiều 9/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát đi Công điện 1850 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biễn, chủ động dồn lực ứng phó với siêu bão.
Từ tổng hành dinh Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh lệnh: Quân đội dừng huấn luyện, dồn lực ứng phó siêu bão, tập trung lực lượng sẵn sàng xử lý các tình huống; ngoài biển, hải quân sát cánh cùng ngư dân, trong đất liền tập trung binh lực hỗ trợ đồng bào chằng chống nhà cửa, di tản tới nơi an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Văn phòng Bộ Công an lập Tổ công tác thường trực 24/24h tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Bộ; lực lượng công an đã huy động hơn 16.000 lượt cán bộ, chiến sỹ ứng trực và xuống địa bàn; lập đội phản ứng nhanh, tổ chức thường trực 24/24h với 100% quân số, đảm bảo phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Sáng 10/11, báo chí trong nước, quốc tế “hốt hoảng” đưa tin: Siêu bão quét qua Philippines, cả thành phố bị san phẳng, chỉ riêng tại tỉnh Leyte, miền Trung đất nước này đã có khoảng 10.000 người chết.
Cả nước nín thở hồi hộp, thế giới căng mắt dõi theo từng giờ di chuyển với diễn biến phức tạp, khó lường của một cơn bão được đánh giá là siêu mạnh trong lịch sử nhân loại.
Thông tin dự báo mới nhất ở thời điểm đó cho biết, Haiyan có khả năng chạy dọc theo ven biển Việt Nam, giữa vịnh Bắc Bộ và có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Thái Bình và những khu vực lân cận. Bắc Bộ gấp rút chống bão đổ bộ.
Đến trưa ngày 10/11, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định sơ tán 10.023 hộ dân với trên 44.600 nhân khẩu, dự kiến hoàn thiện trước 6 giờ chiều. Tỉnh cũng cử 13 đoàn công tác cắm chốt, cùng các địa phương triển khai phương án phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại. Tỉnh Ninh Bình kịp thời di chuyển toàn bộ các phương tiện tàu thuyền và người dân ở khu vực ngoài đê vào nơi trú bão an toàn; tất cả lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết đã được chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng đối phó với bão đổ bộ. Tại tỉnh Nam Định, toàn bộ tàu thuyền di chuyển về nơi neo đậu an toàn và khoảng 220.000 người được sơ tán đến nơi an toàn.
Chiều 10/11, Trung tâm DBKTTV thông báo bão chuyển hướng đột ngột, có thể đổ bộ vào Thái Bình-Quảng Ninh. Từ Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo trong cuộc họp khẩn: Bão số 14 diễn biến hết sức phức tạp, đường đi còn những dự báo khác nhau. Do vậy, phải tiếp tục cập nhật thông tin, rà soát tất cả công tác chuẩn bị để đảm bảo kịp thời ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
18.45’ cùng ngày, tỉnh Thái Bình cho biết, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất. Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin cho báo chí khi đang chỉ đạo chống bão tại Vân Đồn: Tỉnh đã chuẩn bị tất cả mọi điều kiện có thể để chống bão. Hơn 11.000 tàu cá và 466 tàu du lịch của tỉnh đã về nơi neo đậu an toàn. Tại các địa phương có nguy cơ cao như Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Cô Tô, Móng Cái… đã quyết liệt thực hiện di dân. Tất cả các các trường học ở các cấp học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học ngày 11/11 để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
11 giờ đêm, có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các lực lượng trên địa bàn rà soát liên tục các công việc, chuẩn bị theo đúng các công điện của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực tối đa để hạn chế thiệt hại do mưa bão đem lại.
Sáng sớm 11/11, tâm bão số 14 đã đi vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến từng bộ, ngành, địa phương và từng người dân, thiệt hại do siêu bão gây ra đã được giảm thiểu.
Đánh giá về công tác phòng chống bão số Haiyan, trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 14/11 sau khi bão tan, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta nhấn mạnh:
"Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với sự chuẩn bị và các biện pháp đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện khi đối mặt với cơn bão này. Sự chỉ đạo của Chính phủ từ cấp cao nhất đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của cơn bão và số người thiệt mạng".
Bà Pratibha bày tỏ sự khâm phục đối với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo các biện pháp cần thiết được thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả trước, trong và sau cơn bão.
"Việt Nam đã và đang tăng cường công tác chuẩn bị và hệ thống bảo vệ, ứng phó đáp ứng với tiêu chuẩn và quy định của quốc tế", đại diện Liên Hợp Quốc khẳng định, đồng thời cho biết cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam luôn sát cánh cùng các đối tác cứu trợ nhân đạo, sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam khi cần thiết.
Bình Minh