![]() |
Người dân ven biển Quảng Nam đào hầm dã chiến trú bão. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Hầm dã chiến
Vùng ven biển huyện Thăng Bình, Quảng Nam mùa này trở nên hoang vắng, hiu hắt người. Dấu vết của những căn hầm trú siêu bão Haiyan vẫn còn trên các triền cát trắng.
“Mỗi khi có bão lớn, chúng tôi huy động thanh niên địa phương đào cát, dựng hầm trú ẩn ngay tại vườn nhà dân. Thời gian dựng hầm chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi thường gọi đây là hầm dã chiến trú siêu bão”, anh Nguyễn Tấn Nghĩa, Trung đội trưởng Đội dân quân du kích xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cũng là người tích cực giúp dân đào hầm trú bão, cho hay.
Theo anh Nghĩa, để ứng phó với siêu bão Haiyan, vừa qua, bà con đã đào cát, dựng lên hơn 200 căn hầm trên toàn địa bàn xã. Trong đó có cả hầm tròn, hầm chữ nhật, hay hầm chữ A. Loại hầm này rất an toàn và được thiết kế đơn giản với vật liệu sẵn có tại địa phương như bao cát, cây gỗ dài, bạt, tôn, ván hay thuyền thúng.
Mỗi hầm có độ sâu từ 1-2m, dài và rộng vài mét tùy theo nhu cầu trú bão. Dùng bao cát che, chắn xung quanh hầm, phía trên chằng cây gỗ, tiếp đến là dùng bạt, tôn, ván hoặc thuyền thúng úp lên trên hầm rồi đổ cát lên là có ngay một hầm trú tránh bão an toàn.
Mỗi căn hầm chứa được từ 4-5 hộ, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong hầm có nước uống, lương thực và các thiệt bị sinh hoạt khác. Sau khi bão tan, bà con lại tập trung thu dọn vật liệu và hoàn thổ mặt bằng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất như ngày thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết tại miền biển này, do thời tiết khắc nghiệt nên từ lâu người dân đã chọn cách đào hầm để chống chọi với bão lớn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng người dân mới vận dụng cách đào hầm trú bom thời chiến tranh để đào hầm trú bão.
Một lý do nữa là trong cơn bão Chanchu năm 2006, trên địa bàn xã Bình Minh có rất nhiều người chết do công tác đối phó chủ quan. Vì vậy, để ứng phó với các trận bão lớn như cơn bão Haiyan vừa qua, người dân đã đồng loạt đào hầm trú bão bởi hầu hết các công trình tại địa phương chỉ là nhà cấp 4, không đảm bảo nhu cầu trú ẩn.
Cần có hầm kiên cố hơn
Hầm dã chiến che chở cho người dân vùng ven biển trước những trận bão đã bao đời nay. Tuy nhiên về lâu dài, xã Bình Minh cũng như huyện Thăng Bình không khuyến khích dạng hầm như thế này mà thay vào đó là hầm kiên cố hơn bằng bê tông.
“Loại hầm này an toàn trước các cơn bão nhưng nếu có sóng thần vào thì rất nguy hiểm”, ông Minh lý giải, đồng thời khuyến cáo người dân, nếu có dựng hầm dã chiến như ở Bình Minh thì nên dựng ở triền cát cao, không nên xây dựng ở gần bờ biển đề phòng nước biển dâng cao gây nguy hiểm.
Hầm trú bão của gia đình bà Hồ Thị Chấp tại thôn Tân An, xã Bình Minh. (Ảnh: VGP/Thế Phong) |
Cũng tại xã Bình Minh, ngoài hầm dã chiến, một số hộ dân đã xây dựng hầm trú bão kiên cố hơn với chi phí vừa phải. Đơn cử như hầm trú bão của gia đình bà Hồ Thị Chấp, thôn Tân An. Theo bà Chấp, hầm được xây dựng cách đây vài năm có sức chứa từ 7-8 người. Chi phí xây dựng lúc đó khoảng 14 triệu đồng. Hầm xây dựng biệt lập so với nhà ở với mục đích duy nhất là trú bão. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu đối với các hộ dân có thu nhập thấp.
Một cách xây dựng hầm trú bão khác được người dân ở đây đánh giá cao là phòng có tác dụng kép, tức là vừa trú bão, vừa đảm bảo sinh hoạt cho gia đình. Cách làm này đã được một số hộ dân ở đây triển khai. Điển hình là phòng trú bão của gia đình bà Huỳnh Thị Hải Liên, cũng tại xã Bình Minh, rộng khoảng 10m2.
Bà Liên cho biết sau cơn bão Chanchu năm 2006, vợ chồng bà xây ngay căn phòng này với chi phí xây dựng hơn 10 triệu đồng. Phòng này rất tiện dụng, có sức chứa được hơn 10 người trú tránh an toàn khi bão vào, sau khi bão tan lại đưa vào phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Phòng này đã phát huy tác dụng tối đa, giúp gia đình bà Liên tránh trú bão an toàn trong mấy năm qua.
Theo UBND xã Bình Minh, bà con rất cần có hầm trú bão hằng năm. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân vùng biển đều sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá, lại thường xuyên gánh chịu hậu quả của thiên tai nên tình hình kinh tế khá khó khăn. Do vậy, để xây dựng hầm trú bão an toàn về lâu, về dài cũng cần có sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng trong và ngoài nước.
Thế Phong